KHÁI NIỆM
Người bệnh bỏng thường xuyên phải chịu đau đớn trong quá trình điều trị, chỉ hết đau khi tổn thương bỏng được che phủ hoặc biểu mô hóa khỏi toàn bộ. Đau trong bỏng có tính liên tục, nhắc lại hàng ngày và nhiều lần trong ngày.
Gây mê thay băng bỏng nhằm giảm đau đớn, bảo đảm cho việc thay băng được thực hiện tốt.
Người bệnh bỏng thường phải gây mê để thay băng nhiều lần, cho nên phải lựa chọn phương pháp và thuốc gây mê thích hợp. Cần lựa chọn thuốc mê ít độc, ít tích lũy, tác dụng nhanh (khởi mê nhanh, tỉnh nhanh tương ứng với thời gian một cuộc thay băng kéo dài thường 15-30-60 phút).
Lựa chọn thuốc mê cần căn cứ tình trạng toàn thân người bệnh, tuổi, số lần thay băng, phương pháp xử trí trong khi thay băng...
CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có diện bỏng rộng.
Người bệnh có hội chứng khiếp đảm, rối loạn tâm thần mỗi khi thay băng hoặc bệnh tâm thần kết hợp.
Trẻ em.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh dị ứng với thuốc vô cảm sẽ sử dụng.
Người bệnh có chống chỉ định gây mê.
Không có cán bộ chuyên môn được đào tạo về gây mê.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Bác sĩ, Kỹ thuật viên được đào tạo chuyên ngành gây mê hồi sức.
Phương tiện
Bộ phương tiện đảm bảo cuộc gây mê: Bóng bóp, mặt nạ, bình oxy, máy hút, đèn soi thanh khí quản và ống nội khí quản các cỡ.
Thuốc gây mê và thuốc hồi sức.
Máy sốc tim, máy thở.
Tiến hành tại phòng mổ, hoặc buồng khoa hồi sức cấp cứu hoặc buồng thay băng cho người bệnh bỏng nặng.
Người bệnh
Được giải thích về kỹ thuật để phối hợp với chuyên môn
Được thăm khám kỹ, chú ý hô hấp và tuần hoàn trước gây mê.
Nhịn ăn ít nhất 6 giờ, nhịn uống ít nhất 3 giờ trước khi gây mê. Trong trường hợp người bệnh mới vào có thức ăn và dịch trong dạ dày mà có chỉ định gây mê thay băng, xử trí kỳ đầu vết bỏng: cần rửa dạ dày trước gây mê.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Gây mê trong thay băng đòi hỏi nhanh, thời gian gây mê không dài do đó gây mê tĩnh mạch là phương pháp được sử dụng nhiều. Sau đây là quy trình của gây mê tĩnh mạch trong thay băng bỏng:
Tiền mê
Tiêm atropin hoặc scopolamin, liều 0,01mg/ kg cân nặng, tiêm dưới da trước gây mê 15 phút.
Đặt dây truyền dịch vào tĩnh mạch.
Trong các trường hợp còn sốc, người bệnh thường nhậy cảm với thuốc mê. Do vậy nên phối hợp với các thuốc kháng histamine như dimedrn hoặc thuốc giảm đau liều nhỏ để tiền mê.
Gây mê (lựa chọn thuốc mê tùy theo chỉ định)
Thay băng bỏng hàng ngày với người bệnh bỏng rộng: thường ápdụng các thuốc vô cảm gây mê ngắn, tỉnh nhanh như Ketamin, propofol…
Ketamin (calypsol): tùy theo thể trạng người bệnh và tình trạng bệnh: tiêm tĩnh mạch chậm 1-4,5 mg/ kg hoặc tiêm bắp 6,5-13mg/ kg. Tùy theo đáp ứng của người bệnh có thể cho tiếp theo bằng nửa liều đầu.
Ở người bệnh lớn tuổi hoặc diện tích bỏng vừa phải: có thể tiền mê giảm đau bằng dolargan, fentanyl, morphin.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi chung khi tiến hành gây mê, cần lưu ý thêm:
Theo dõi mạch, huyết áp, tần số thở, nhiệt độ, ý thức.
Ketamin có tác dụng mê nhanh tỉnh nhanh, giữ được phản xạ hầu họng nhưng hay gây hoang tưởng và có tác dụng phụ. Không dùng cho người bệnh động kinh, tâm thần, tăng áp lực sọ não, tăng nhãn áp, chấn thương sọ não kết hợp.
Hút đờm, rãi khi có tăng tiết đường mũi họng.
Ngừng thở, quên thở, ngừng tim: Bóp bóng hô hấp hỗ trợ, sốc tim, thở máy nếu cần, thở oxy…
Dị ứng toàn thân: thuốc chống dị ứng (dimedron, depresolon...), truyền dịch; theo dõi sát tình trạng người bệnh.
Sốt cao: thuốc hạ nhiệt, chườm lạnh.
Nôn: nằm đầu nghiêng một bên, dùng thuốc chống nôn, đảm bảo lưu thông đường thở.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh