✴️ Cảnh báo hội chứng đau thần kinh tọa ở người trẻ

Nội dung

Đau thần kinh tọa không còn là bệnh lý phổ biến ở người già mà đang có xu hướng trẻ hóa. Cùng tìm hiểu về hội chứng đau thần kinh tọa ở người trẻ qua bài viết dưới đây!

 

1. Tại sao chứng đau thần kinh tọa đang trẻ hóa?

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài và lớn nhất ở người, chạy dọc từ chậu hông lên giữa phần đùi sau, đến khoeo chân và chạy xuống bàn chân. Đau thần kinh tọa (còn được gọi là đau dây thần kinh hông to) là tình trạng chèn ép dây thần kinh khiến cho vùng thắt lưng trở nên đau nhức và khó chịu. Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, cơn đau sẽ lan xuống dần theo đường đi của dây thần kinh tọa, đi kèm theo các biến chứng như rối loạn cảm giác, tê bì, teo cơ,…

Hội chứng đau thần kinh tọa đang dần trẻ hóa và gặp ở rất nhiều người trẻ là bởi:

– Do đặc thù công việc: Nhân viên văn phòng ngồi máy tính quá lâu dễ dẫn tới tình trạng thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, dây thần kinh tọa bị chèn ép trong một thời gian dài.Ngoài ra, một số đối tượng lao động quá sức, mang vác nặng nhọc: Một số công việc chân tay, vận động viên cử tạ,, diễn viên múa,… đều có thể là đối tượng của đau thần kinh tọa.

– Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối chính là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về xương khớp, dạ dày. Việc dùng quá nhiều thực phẩm cay nóng, sử dụng các loại thức uống có gas, cồn hoặc chứa chất kích thích… sẽ khiến dây thần kinh tọa bị kích thích, thiếu hụt dưỡng chất nuôi dưỡng xương khớp và gây nên các triệu chứng đau của bệnh.

– Chấn thương: Một số chấn thương có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh tọa như gãy xương chậu, phẫu thuật áp xe mông, gãy xương cột sống thắt lưng,… có thể gây nên đau thần kinh tọa.

– Do các bệnh lý liên quan đến xương khớp: viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống do tụ cầu khuẩn, phì đại diện khớp, hẹp cột sống thắt lưng,… cũng gây đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi.

Chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối là một trong những nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa

 

2. Triệu chứng đau thần kinh tọa ở người trẻ

Người trẻ mắc đau thần kinh tọa thường sẽ có những biểu hiện dưới đây:

– Xuất hiện triệu chứng đau nhói từng cơn tại vùng sống lưng cho tới đầu gối và thường ảnh hưởng tới một bên cơ thể.

– Khi bệnh rõ rệt hơn, bệnh nhân sẽ cảm thấy nóng rát, tê buốt khó chịu khi đi lại hoặc khi vận động như ngồi xổm, cúi người, ho, hắt hơi,…

– Vận động trở nên khó khăn, bàn chân hoặc ngón chân cử động không theo ý muốn.

– Đại hoặc tiểu tiện khó khăn và không tự chủ.

Khi bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng này đau ở cả 2 bên cơ thể thì lúc này bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng.

Xuất hiện triệu chứng đau nhói từng cơn tại vùng sống lưng cho tới đầu gối và thường ảnh hưởng tới một bên cơ thể

 

3. Cách điều trị và biện pháp phòng ngừa đau thần kinh tọa

3.1. Cách điều trị bệnh đau thần kinh tọa ở người trẻ

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng của người bệnh đau thần kinh tọa mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Một số phương pháp được áp dụng điều trị gồm:

– Vật lý trị liệu: Một số tác động cơ học giúp điều trị bệnh bằng cách nắn chỉnh cột sống, kéo giãn cột sống, châm cứu dùng tia hồng ngoại, thể dục trị liệu, bấm huyệt, đắp sáp nến…

– Điều trị nội khoa: Thông thường bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, giãn cơ, an thần hay các vitamin nhóm B liều cao. Trường hợp đau thần kinh tọa do nhiễm trùng có thể được chỉ định dùng kháng sinh.

– Điều trị ngoại khoa: Người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật (phẫu thuật hở hoặc sử dụng tia laser) để điều trị đau thần kinh tọa.

Để được điều trị hiệu quả nhất thì người bệnh nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế uy tín.

 

3.2. Biện pháp giúp phòng ngừa đau thần kinh tọa ở người trẻ

Để phòng tránh bệnh đau thần kinh tọa, người trẻ nên chủ động áp dụng những biện pháp sau:

– Tuyệt đối không ngồi còng lưng trong một khoảng thời gian dài. Nên từ từ đứng lên để cột sống không bị thay đổi tư thế một cách đột ngột.

– Đối với nhân viên có đặc thù công việc ngồi nhiều nên đứng lên đi lại, có thể chống tay lên hai mép bàn và nâng người lên 2- 3 phút.

– Hạn chế lao động quá sức hoặc mang vác vật nặng.

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tham gia các lớp bơi lội hay yoga để giúp xương khớp chắc khỏe.

– Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sắn, nhiều dầu mỡ. Tăng cường ăn rau xanh, cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp tăng sức đề kháng, thanh lọc cơ thể.

– Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, hạn chế tối đa việc căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài.

Ngoài ra, người trẻ nên chủ động thăm khám định kỳ để phòng ngừa bệnh đau thần kinh tọa và hàng loạt các nguy cơ sức khỏe khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top