✴️ Kỹ thuật mổ lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser

1. Sỏi thận và phương pháp mổ lấy sỏi thận qua da

Sỏi thận là những tinh thể rắn được hình thành tại thận do các chất khoáng trong nước tiểu bị lắng đọng lâu ngày kết tinh lại. Sỏi thận thường hình thành âm thầm và không có biểu hiệu rõ ràng. Chỉ khi sỏi có kích thước lớn, sự di chuyển của chúng cọ sát vào đường niệu gây viêm loét, chảy máu và nhiễm trùng. Lúc này những cơn đau quặn thận kèm theo hiện tượng sốt cao hoặc ớn lạnh xuất hiện. Nguy hiểm hơn, nếu sỏi nằm kẹt trong cuống đài thận sẽ gây bế tắc, làm giãn đài bể thận, thận ứ nước và suy giảm chức năng thận. Khi này, chỉ định bắt buộc trong điều trị là phải phẫu thuật lấy sỏi càng nhanh càng tốt để ngăn chặn biến chứng.

Hiện nay, với việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào trong y học, phẫu thuật ít xâm lấn trong điều trị sỏi thận – tiết niệu ngày càng chiếm được nhiều ưu thế. Phương pháp mổ lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser hiện đang được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn.

Thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tạo một vết cắt rất nhỏ trên da kích thước khoảng 5mm ở vùng lưng hoặc thắt lưng để tạo đường hầm tiếp cận sỏi. Sau đó, đưa máy nội soi qua đường hầm vào để tìm chính xác vị trí của sỏi. Dùng nguồn năng lượng từ tia laser tán vụn sỏi thành những mảnh sỏi. Tiến hành bơm rửa và hút các mảnh sỏi vụn ra ngoài theo đường hầm.

Mổ lấy sỏi thận qua da an toàn, xâm lấy tối thiểu, hiệu quả cao

Mổ lấy sỏi thận qua da an toàn, xâm lấn tối thiểu, hiệu quả cao

 

2. Kỹ thuật lấy nội soi lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ

Sau khi được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng sỏi. Đồng thời xác định người bệnh đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện mổ lấy sỏi thận qua da, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị.

– Trước hết đưa người bệnh vào phòng mổ vô khuẩn một chiều. Đặt người bệnh ở tư thế nằm sấp và tiến hành gây mê toàn thân.

– Dùng kim đặc biệt dưới sự kiểm soát của máy siêu âm chọc dò qua da vùng lưng vào vị trí có sỏi. Nong rộng đường hầm sau đó đưa máy nội soi vào trong để tiếp cận sỏi.

– Dùng nguồn năng lượng tia laser “bắn phá” sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và hút bỏ ra ngoài thông qua đường hầm.

– Đặt ống thông niệu quản từ thận xuống bàng quang để đảm bảo cho quá trình lưu thông nước tiểu. Ống thông sẽ được rút sau vài ngày tùy theo tình trạng diễn biến của bệnh.

Thời gian một ca tán sỏi thận trung bình khoảng 60 phút. Tuy nhiên cũng có khi phải kéo dài đến 2 giờ đối với trường hợp người bệnh có sỏi san hô kích thước lớn. Người bệnh nằm viện 3 ngày để theo dõi thể trạng sức khỏe. Trước khi ra viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết về chế độ ăn uống sinh hoạt và hẹn lịch tái khám

 

3. Chỉ định – chống chỉ định với nội soi lấy sỏi thận qua da?

3.1. Chỉ định:

Mổ lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser được thực hiện trong các trường hợp:

– Người bệnh có sỏi thận kích thước > 15mm gồm cả sỏi san hô phức tạp.

– Người bệnh có sỏi thận tái phát sau phẫu thuật mổ hở lấy sỏi.

– Người bệnh thực hiện tán sỏi nội soi bằng ống mềm nhưng sỏi bị đọng lại không tự đào thải được ra ngoài.

– Người bệnh chống chỉ định với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ.

Mổ lấy sỏi thận qua da được thực hiện với sỏi thận có kích thước nhất định

Mổ lấy sỏi thận qua da được đánh giá là hiệu quả cao với các trường hợp sỏi có kích thước lớn, sỏi phức tạp như sỏi san hô.

 

3.2. Chống chỉ định:

Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ không áp dụng được trong trường hợp:

– Người bệnh bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.

– Người bệnh có nguy cơ chảy máu nặng hoặc có những bất thường về mạch máu trong thận.

– Người bệnh bị suy thận.

– Chống chỉ định tạm thời đối với người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.

– Người bệnh chống chỉ định với gây mê.

 

4.  Ưu điểm của phương pháp nội soi lấy sỏi thận qua da

Mổ lấy sỏi thận qua da có nhiều ưu điểm nổi bật:

– Xâm lấn tối thiểu, ít đau đớn, sẹo mổ nhỏ (khoảng 5mm) nên loại bỏ được các biến chứng liên quan đến vết mổ rộng.

– Thời gian người bệnh nằm viện ngắn chỉ khoảng 3 ngày. Thời gian phục sức khỏe và trở lại làm việc nhanh khoảng từ 7-10 ngày.

– Ít gây tổn hại đến thận. Phẫu thuật mổ hở với sỏi san hô phức tạp có thể làm mất vĩnh viễn từ 25-30% chức năng thận do đường rạch lớn trên nhu mô thận gây ra. Tuy nhiên với tán sỏi qua da, đường hầm vào thận rất nhỏ nên ảnh hưởng tới chức năng thận chỉ dưới 1%.

– Hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi so với mổ hở nhờ khả năng cho phép kiểm tra toàn bộ niệu quản và bể thận.

– Giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ hở truyền thống.

– Hạn chế tỷ lệ tái phát sỏi sau phẫu thuật.

 

5. Diễn biến sau sau phẫu thuật lấy sỏi thận qua da

5.1. Diễn biến thông thường sau mổ lấy sỏi thận qua da:

– Ngày thứ nhất sau mổ lấy sỏi thận qua da, người bệnh có thể đi lại trong phòng và ăn nhẹ.

– Ngày thứ 2, người bệnh được rút các ống dẫn lưu niệu quản.

– Ngày thứ 3, người bệnh tiến hành chụp Xquang kiểm tra trình trạng bệnh và làm thủ tục xuất viện.

– Một tuần sau lấy sỏi qua da, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt và làm việc như bình thường.

– Sau một tháng tán sỏi, người bệnh tái khám theo quy định để đảm bảo sỏi thận đã được loại bỏ hoàn toàn.

 

5.2. Những biến chứng có thể xảy ra mổ lấy sỏi thận qua da:

– Chảy máu trong và sau mổ tuy giảm hơn rất nhiều so với phương pháp phẫu thuật hở nhưng vẫn là biến chứng có thể gặp, khoảng <5% các trường hợp, thường xảy ra sỏi thận kích thước lớn hoặc có những bất thường về giải phẫu.

– Tổn thương động, tĩnh mạch thận. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ căn cứ theo tình trạng bệnh cụ thể để có chỉ định phù hợp.

– Tổn thương đại tràng: Hiện tượng này có thể xảy ra đối với những người bệnh có tiền sử mổ trước đây hoặc người có thành bụng nhão.

– Sót sỏi sau nội soi tán sỏi thận qua da (rất hiếm gặp).

Nhìn chung, những biến chứng nặng cần can thiệp ngoại khoa sau nội soi tán sỏi thận qua da chiếm tỷ lệ thấp.

 

6. Những lưu ý quan trong sau tán sỏi nội soi qua da

Sau khi thực hiện mổ lấy sỏi thận qua da, người bệnh cần đặc biệt lưu ý:

– Thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường sau tán sỏi: rò rỉ nước tiểu hoặc chảy máu dai dẳng ở vị trí phẫu thuật, nước tiểu có lẫn máu tươi, sốt cao… để có hướng can thiệp sớm.

– Tạo thói quen uống 2-3 lít nước mỗi ngày để tăng cường hoạt động của đường niệu và hạn chế nguy cơ tái phát sỏi.

– Tái khám theo định kỳ từ 6-12 tháng để kiểm tra tình trạng sức khỏe và sớm phát hiện tình trạng tái phát sỏi (nếu có).

– Trong trường hợp sỏi thận là hậu quả của một bệnh lý toàn thân khác, người bệnh cần phải tiếp tục phát hiện và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh

Mổ lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ được xem là cuộc cách mạng trong điều trị sỏi thận kích thước lớn, sỏi phức tạp…thay thế hiệu quả cho mổ hở trước đây. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó, do đó người bệnh cần lựa chọn những bệnh viện lớn, uy tín có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm với hệ thống máy tán sỏi hiện đại để hỗ trợ tối đa cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top