Cùng với đau và sưng tại khớp, có khoảng 4/10 người bị viêm khớp dạng thấp sẽ mắc phải các vấn đề tại các bộ phận khác trên cơ thể. Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến tuổi thọ, nhưng với các biện pháp trị liệu hiện đại, ngày càng có ít người bị viêm khớp dạng thấp mà lại bị ảnh hưởng lên các cơ quan khác, do vậy, bệnh nhân mắc bệnh này hiện nay đã có thể sống lâu hơn. Hãy cùng tìm hiểu xem bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào nhé!
Bệnh viêm khớp dạng thấo thường khởi phát từ những khớp nhỏ tại bàn tay và bàn chân, nhưng cũng có thể tiến triển đến các phần khác của cơ thể. Cơn đau có thể sẽ nặng nhất vào buổi sáng và đôi khi sẽ là đau đối xứng ở cả 2 bên bàn tay hoặc bàn chân.
Có rất nhiều loại thuốc có thể hữu ích cho bạn, và đa số sẽ nhắm vào việc làm dịu hệ thống miễn dịch. Các lựa chọn điều trị bao gồm hóa trị, dùng các thuốc chống viêm và chống thấp khớp
Những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp thường có nguy cơ mắc phải các vấn đề về tim mạch cao gấp 2 lần so với những người không bị viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp tạo ra một tình trạng viêm nhẹ, mãn tính có thể gây tổn thương các mạch máu và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh tim mạch và suy tim. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể sẽ gây viêm màng ngoài tim. Biến chứng này có thể khiến bạn có những cơn đau nhói tại ngực và sốt. Nếu không được đièu trị, có thể dẫn đến việc dày màng ngoài tim và sẹo ở màng ngoài tim.
Điều trị các vấn đề về tim mạch và đa số các biến chứng khác của bệnh viêm khớp dạng thấp đều nhằm giảm viêm thông qua việc dùng thuốc. Nếu vấn đề về tim mạch vẫn tiến triển, bạn có thể sẽ cần đặt máy tạo nhịp tim (pacemaker).
Khoảng hơn 10% số bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp sẽ phát triển các vấn đề rất nghiêm trọng liên quan đến phổi. Tình trạng phổ biến nhất là viêm lớp niêm mạc của phổi (viêm màng phổi), gây ra cảm giác đau khi thở, sẹp mô ở phổi và làm tăng nguy cơ mắc khí phế thũng, kể cả ở những người không hút thuốc lá.
Phương pháp điều trị tốt nhất là những phương pháp có thể làm giảm tình trạng viêm tiềm ẩn.
Những người bị các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ dễ bị trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc hơn. Đây là một tình trạng phổ biến và xảy ra một cách dễ hiểu. Tình trạng viêm mãn tính có liên quan đến các bất thường trong các chất dẫn truyền thần kinh và hormone, ảnh hưởng đến việc người bệnh sẽ cảm thấy như thế nào.
Nếu người bệnh bị trầm cảm hoặc bị thay đổi cảm xúc dữ dội, các thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng.
Viêm mạch sẽ xảy ra khi các mạch máu bị viêm, hẹp và lưu lượng máu chảy qua mạch giảm xuống. Tình trạng viêm mạch có thể ngăn chặn dòng máu chảy tới các vùng như cánh tay, cẳng chân và các dây thần kinh. Viêm mạch đôi khi cũng có thể dẫn đến bệnh mạch vành.
Nếu các mạch máu bị thu hẹp một cách đáng kể, người bệnh có thể sẽ phải sử dụng steroid hoặc phải hóa trị để giúp làm giảm tình trạng viêm và giảm tổn thương mô.
Một số người bị bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ bị bệnh thần kinh ngoại biên (một bệnh tổn thương thần kinh) gây cảm giác nóng rát, tê bì ở bàn tay và bàn chân. Ngoài ra, khi các mạch máu bị viêm, các dây thần kinh cũng sẽ không nhận được đủ nguồn máu cần thiết, và do đó có thể làm nặng hơn tình trạng tổn thương thần kinh.
Cách tiếp cận tốt nhất là làm giảm tình trạng viêm và sử dụng thuốc để điều trị các tổn thương thần kinh.
Tình trạng viêm có thể xảy ra ở rất nhiều phần tại mắt và biến chứng về mắt có thể sẽ gây mù lòa. Các vấn đề có thể xảy ra ở mống mắt (viêm màng bồ đào), tại lòng trắng của mắt (viêm màng cứng mắt), và tại màng bao phủ lòng trắng của mắt (viêm thượng củng mạc). Các triệu chứng bao gồm nhìn mờ, đau mắt, đỏ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Tình trạng viêm có thể cũng làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Thuốc nhỏ mắt có thể có chứa thành phần chống viêm dùng để điều trị đa số các vấn đề về mắt liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.
Nếu tình trạng viêm tại mạch máu bắt đầu ảnh hưởng đến da, thì da có thể sẽ bị mẩn đỏ, loét da và xuất hiện các nốt sần, mụn, đặc biệt là tại bàn tay, bàn chân và khuỷu tay. Các nốt mụn có thể sẽ tự xuất hiện và tự biến mất và các bác sỹ vẫn chưa biết nguyên nhân tại sao lại như vậy.
Bác sỹ có thể sẽ giúp điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm khớp dạng thấp. Phẫu thuật cắt ỏ các nốt mụn cũng có thể là một lựa chọn.
Tình trạng viêm tại khớp có thể sẽ làm tăng áp lực lên các dây thần kinh chạy từ lòng bàn tay đến cổ tay, gây ra hội chứng ống cổ tay. Những người mắc hội chứng ống cổ tay thường sẽ cảm thấy tê bì, ngứa râm ran, yếu và thậm chí là đau nhói ở cánh tay.
Điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm, nghỉ ngơi hoặc bất động cổ tay bị sưng, và chườm lạnh là những biện pháp bạn có thể áp dụng. Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn và kéo dài dai dẳng, bạn cũng có thể cân nhắc đến việc phẫu thuật.
Một số người bị viêm khớp dạng thấp sẽ mắc phải hội chứng Felty, một tình trạng lách sẽ bị phì đại và giảm số lượng bạch cầu, khiến người bệnh sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Nhưng vì bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được kiểm soát tương đối tốt, nên biến chứng liên quan đến lách thường khá hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến dưới 1% số người bệnh bị viêm khớp dạng thấp.
Điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm khớp dạng thấp hoặc nếu cần, tiêm thuốc để làm tăng số lượng bạch cầu là những lựa chọn điều trị trong trường hợp này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh