1. Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là một bộ phận thuộc hệ thần kinh, có vai trò giúp duy trì trạng thái thăng bằng của cơ thể khi ở các tư thế và phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình…
Rối loạn tiền đình xảy ra do rối loạn dẫn truyền và tiếp nhận thông tin ở tiền đình. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như tắc nghẽn dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương. Tình trạng này khiến tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai hoặc buồn nôn… Các triệu chứng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc xuất hiện đột ngột rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Dấu hiệu rối loạn tiền đình
Dấu hiệu rối loạn tiền đình còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số triệu chứng điển hình của bệnh như:
– Chóng mặt: chóng mặt ở người bị rối loạn tiền đình biểu hiện rõ nhất là khi người bệnh đột ngột thay đổi tư thế, nhất là khi đứng lên ngồi xuống một cách đột ngột hoặc khi vừa ngủ dậy.
– Hoa mắt, chóng mặt, khó đứng vững
– Rối loạn thính giác: ù tai, khó nghe, người bệnh ngay khi bị triệu chứng này cần phải thăm khám và điều trị từ sớm ngay để tránh di chứng giảm thính lực về sau này.
– Nhãn cầu rung giật
– Hạ huyết áp, buồn nôn hoặc nôn
– Mất tập trung, người mệt mỏi, khó ngủ vào ban đêm
– Đôi khi có thể thay đổi giọng nói khi phát âm một số âm
3. Rối loạn tiền đình ăn uống gì để cải thiện tình trạng hiệu quả?
3.1 Cải bó xôi
Cải bó xôi là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng cho những người bị rối loạn tiền đình. Trong cải bó xôi chứa nhiều magie, đây là loại chất giúp hệ thần kinh và cơ bắp phát triển rất tốt, giúp giảm các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt.
Không chỉ vậy, cải bó xôi còn chứa lượng lớn sắt, vitamin C, A, K và E cùng carotenoid có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống oxy hóa cực mạnh, giúp khống chế các tế bào ác tính trong cơ thể.
3.2 Đậu nành
Trong đậu nành có chứa nhiều vitamin K là chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, chống lại các bệnh lý về não. Ngoài ra, lượng acid béo omega-3 trong đậu nành cũng đóng vai trò quan trọng, giúp làm giảm các bệnh lý về tim mạch và giảm tình trạng hoa mắt ở người bị rối loạn tiền đình.
Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên dùng sữa đậu nành kèm trứng gà sẽ làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng hoặc dùng với thuốc sẽ làm phân hủy chất dinh dưỡng trong đậu nành.
3.3 Khoai tây
Khoai tây là loại củ chứa nhiều vitamin A và C giúp giảm căng thẳng, giãn mạch máu, cải thiện não bộ và cung cấp lượng máu đầy đủ cho cơ thể. Đặc biệt, trong khoai tây có chứa chất kukoamine có tác dụng giúp người bệnh giảm huyết áp gây ra tình trạng chóng mặt, hoa mắt, khó giữ thăng bằng.
Tuy nhiên, khoai tây cũng cần phải được lựa chọn kỹ trước khi sử dục, bạn không nên dùng loại khoai tây đã mọc mầm hay ngả màu xanh do khoai tây khi mọc mầm hoặc ngả màu sẽ tạo ra chất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
3.4 Cam, chanh, bưởi
Các loại hoa quả như cam, chanh, quýt hay bưởi cung cấp Vitamin C cho cơ thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và lưu thông máu tốt hơn. Không chỉ vậy, ngoài việc ăn các loại hoa quả trên, bạn có thể pha nước và chế biến thành thức uống giải khát rất tốt trong những mùa hè nóng bức thay vì dùng các loại nước ngọt có ga không tốt cho sức khỏe.
3.5 Cà chua
Vitamin A và C trong cà chua không chỉ giúp bảo vệ thị lực, ngăn ngừa quáng gà, thoái hóa điểm vàng mà cà chua còn được coi là “thần dược” điều trị bệnh thiếu máu, chữa tăng huyết áp, giảm lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn ăn các loại cà chua chín chứ không nên ăn cà chua xanh. Trong cà chua xanh có chứa lượng lớn solanine, là chất độc khiến bạn có cảm giác đắng chát trong miệng và đi kèm với đó là triệu chứng chóng mặt, buồn nôn hay ngộ độc thực phẩm.
3.6 Các loại nấm
Nấm có chứa nhiều vitamin nhóm B như B2, B3, B5 giúp làm giảm căng thẳng và an thần. Trong đó choline ở trong nấm cũng có tác dụng điều hòa giấc ngủ và cải thiện trí nhớ. Ngoài ra, vitamin C, chất xơ và kali trong nấm làm giảm huyết áp, giảm cholesterol và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Ngoài việc chọn lọc những loại thực phẩm trên, bạn cũng nên xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Hạn chế các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước tăng lực, tăng cường tập luyện thể dục thể thao và lưu ý uống đầy đủ nước trong ngày.
Trên đây là những thông tin bổ ích giúp bạn giải đáp “rối loạn tiền đình ăn uống gì?”. Tuy nhiên, những gợi ý trên chỉ mang tính tham khảo và không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Vì vậy, nếu có biểu hiện nghi ngờ bị rối loạn tiền đình hay đang mắc rối loạn tiền đình, bạn nên đến chuyên khoa nội thần kinh tại các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi đi khám, bạn nên có người thân đi cùng để đề phòng tai nạn có thể xảy ra do chóng mặt, mất phương hướng khi lái xe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh