✴️ Đau bả vai lan xuống cánh tay: Tổng quan và cách điều trị

Cổ và vai bao gồm cơ, xương, các dây thần kinh, động mạch, và tĩnh mạch, cũng như nhiều dây chằng và các cấu trúc hỗ trợ khác. Khớp vai là một trong những khớp linh động trong cơ thể, nhưng cũng không bền vững, vì nhiều loại vận động có sự tham gia của khớp vai. Do đó vùng này dễ bị tổn thương, sử dụng quá mức hoặc dưới mức bình thường. Nhiều bệnh có thể gây triệu chứng đau ở vùng vai và cổ. Một số có thể đe dọa tính mạng (như nhồi máu cơ tim, hoặc chấn thương nghiêm trọng,…), hoặc có thể ít nghiêm trọng (như do căng cơ,…).

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đau vùng bả vai lan xuống cánh tay là do các hoạt động như thể dục thể thao sai tư thế, mang vác vật nặng, hoặc do ít vận động, tuổi tác.

 

Nguyên nhân đau bả vai và cánh tay

  1. Do vận động sai tư thế
    Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn có thể vận động, sử dụng vai và cánh tay quá mức, không đúng tư thế, nằm hoặc ngồi làm việc quá lâu không đúng tư thế. Điều này có thể gây các cơ vùng cổ gáy bị co cứng, máu lưu thông kém không đủ nuôi dưỡng các cơ, xương và dây thần kinh nên dẫn đến đau bả vai lan xuống cánh tay.
    Những người thường bị đau là những người làm việc văn phòng, tài xế lái xe, công nhân hoặc học sinh…

  2. Do rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép
    Đau bả vai lan xuống cánh tay có thể xảy ra khi tủy sống và rễ dây thần kinh bị chèn ép. Vì thế, khi các rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép, dẫn đến tê liệt các đường dẫn truyền vận động và cảm giác. Những tác nhân gây chèn ép rễ thần kinh và tủy sống bao gồm viêm màng nhện tủy cổ, u tủy cổ, lao,…

  3. Các bệnh lý về cột sống
    Các bệnh lý thường gặp là thoái hóa cột sống phát sinh khi chúng ta già đi, hoặc do chấn thương gây ra thoát vị hoặc phình đĩa đệm.

    • Thoái hóa đốt sống cổ và hẹp ống sống: Ở người trưởng thành và cao tuổi, các đĩa đệm của đốt sống cổ bị lão hóa, mà bắt đầu phình ra. Các đĩa bắt đầu khô và cứng hơn, các đốt sống di chuyển gần nhau hơn. Khi đó, đáp ứng của cơ thể là hình thành thêm gai xương xung quanh đĩa để củng cố sức chịu đựng của đĩa đệm trong các vận động của cột sống. Tuy nhiên, các gai xương này làm thu hẹp khoảng trống nơi rễ thần kinh thoát đi ra, gây chèn ép lên rễ thần kinh.
      Những thay đổi này là quá trình bình thường và xảy ra ở tất cả mọi người. Thực tế có khoảng gần 1 nửa số người trung niên trở lên có dây thần kinh chèn ép do thoái hóa đốt sống cổ nhưng không gây ra các triệu chứng đau đớn.

    • Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đĩa đệm có nhân dạng gel. Khi đĩa đệm thoái hóa, xơ cứng và vỡ, nhân đệm thoát ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh, dẫn đến tình trạng đau lan từ bả vai xuống cánh tay. Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra khi nâng, đẩy vật nặng, hoặc khi thực hiện các động tác xoay vặn.

  4. Các tổn thương khác

  • Xương đòn bị gãy: ngã có thể khiến xương đòn của bạn bị gãy. Điều này đặc biệt phổ biến khi người đi xe đạp rơi ra khỏi xe.

  • Viêm bao hoạt dịch: Bursa hay bao hoạt dịch là một túi trên khớp để cung cấp một đệm cho khớp và cơ bắp. Những bao hoạt dịch này có thể bị sưng, cứng và đau sau khi bị thương.

  • Gãy xương bả vai: Chấn thương xương bả vai thường liên quan đến chấn thương tương đối mạnh.

  • Chấn thương vòng bít xoay: Vòng bít xoay là nhóm bốn gân và cơ bao quanh khớp vai. Những đường gây này có thể bị chấn thương trong quá trình nâng, khi chơi thể thao, hoặc lặp lại một động tác trong thời gian đủ lâu. Điều này có thể dẫn đến đau khi chuyển động vai, cuối cùng mất các chuyển động vai mạn tính (vai bị đóng băng). Nguy cơ chấn thương tăng theo tuổi, và thường gặp ở những người thợ mộc, họa sĩ, vận động viên bóng bầu dục, hoặc quần vợt.

  • Chấn thương vai hoặc khớp cùng vai đòn: Xương đòn và xương bả vai được kết nối với nhau bởi dây chằng. Với chấn thương ở vai, những dây chằng này có thể bị kéo căng và rách.

  • Chấn thương do va đập: Va đập có thể làm tổn thương khối cấu trúc các dây chằng và cơ bắp của cổ và vai, như trong tai nạn xe.

  • Viêm gân: Các gân nối cơ và xương vùng vai, cổ và cánh tay, có thể bị viêm, dẫn đến sưng đau.

Nguyên nhân đau nhói dưới vai

  • Do loét dạ dày
    Là nguyên nhân phổ biến gây đau nhói phía dưới bả vai trái và cánh tay, có kèm nôn, hạ huyết áp, mồ hôi, giảm nhịp tim.

  • Do nhồi máu cơ tim
    Mặc dù là vấn đề của tim, nhưng nhồi máu cơ tim cũng có thể gây cơn đau vai, hoặc cổ lan tỏa tớ cánh tay trái, hàm trái. Cơ đau tim có thể xuất hiện nếu thiếu nitroglycerin. Người bệnh có thể đau với cường độ lớn, có thể kéo dài trong vòng 15 phút, không thể chịu đựng được nên la hét, cổ tay bị tê nặng cộng thêm đau ngực kéo dài.

  • Bệnh túi mật
    Có thể gây ra đau ở vai phải.

  • Do bệnh phổi, viêm phế quản
    Chứng đau nhói dưới bả vai trái và cánh tay có thể do viêm phổi, viêm phế quản. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các triệu chứng khác như cơn đau sẽ tăng mỗi khi ho, hoặc hắt hơi.

Cách điều trị đau bả vai lan xuống cánh tay

a. Chăm sóc tại nhà

Đối với các con đau nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, cụ thể:

  • Trong nhiều trường hợp, các chấn thương nhẹ, do căng cơ hoặc bầm tím, tổn thương có thể tự lành mà không cần đến sự chăm sóc của các bác sĩ.
  • Nếu cơn đau nhẹ, ít dai dẳng, do sai tư thế hoặc ít vận động bạn có thể áp dụng các bài tập giảm đau, giúp cơ căng duỗi và các khớp cử động linh động.
  • Nếu bạn bị đau phần mô mềm, phần vai lan xuống cánh tay, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm NSAID hoặc paracetamol. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ, và sau khi đã loại được các nguy cơ như người viêm loét dạ dày.
  • Ngoài ra bạn nên bổ sung thêm vitamin E, B, C, D để tăng sức đề kháng, bổ sung calci để chống loãng xương đối với người cao tuổi.

b. Khi nào bạn cần đến các chăm sóc y tế

Nếu cơn đau hoặc các triệu chứng khác trở nên xấu đi, hay tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc đến bệnh viện cấp cứu đối với các trường hợp khẩn cấp như nhồi máu cơ tim, hoặc chấn thương nặng, cụ thể:

  • Nếu đau bả vai lan xuống cánh tay do các bệnh lý cột sống , cần điều trị các đông y và y học hiện đại. Dùng phương pháp châm cứu, kết hợp dưỡng sinh để hồi phục chức năng cơ thể. Trong trường hợp thoái hóa khớp, bệnh nhân có thể cần được điều trị bằng các thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs, hoặc có thêm tiêm corticoid tại chỗ để giảm các cơn đau, đảm bảo cho đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đối với trường hợp nặng, cần có can thiệp ngoại khoa.
  • Nếu người bệnh bị đau với mức độ nặng hơn, yếu, tê lạnh, dị dạng, thay đổi sắc mặt, cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
  • Nếu người bệnh có sốt cao, kèm nhức đầu dữ dội, đau ngực khó thở, chóng mặt, buồn nôn, một bên người bị tê, yếu đi, cần gọi xe cứu thương hoặc đưa đến phòng cấp cứu gần nhất.

Bên cạnh đó, bạn có thể phòng ngừa đau bả vai lan xuống cánh tay bằng cách nằm ngủ hoặc ngồi đúng tư thế; kê gối cao khoảng 10cm khi ngủ. Bạn nên có chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt hợp lý. Chú ý các tư thế khom lưng vác vật nặng, và tránh mang vác vật nặng. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về nguyên đau bả vai lan xuống cánh tay thường gặp ngày nay, cũng như hiểu thêm về cách điều trị bệnh.

Tìm hiểu thêm: Viêm gân chóp xoay vai

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top