1. Tìm hiểu về bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một dạng rối loạn dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi xoang tiếp xúc với các dị nguyên có trong không khí: Độ ẩm, phấn hoa, bụi, lông chó mèo, bông sợi ở trong quần áo…Viêm mũi dị ứng thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh bởi đều có những triệu chứng tương đồng như: Cảm lạnh, sổ mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, hắt hơi…
Để dễ nhận biết, viêm mũi dị ứng được chia làm 2 dạng như:
– Viêm mũi dị ứng theo mùa: Thường xảy ra vào mùa lạnh, đầu mùa nóng, hoặc khi thời tiết mưa, nắng thất thường.
– Viêm mũi dị ứng quanh năm: Bệnh không xuất hiện theo mùa, đồng thời cũng không phụ thuộc vào thời tiết.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng trên toàn thế giới đang có sự gia tăng mạnh mẽ. Theo thống kê của Viện dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ, tỷ lệ người bị viêm mũi dị ứng chiếm từ 10 đến 30% dân số toàn cầu. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Khoa dị ứng miễn dịch Bệnh viện Tai – mũi – họng Trung ương, tại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ số người bị viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% tổng số bệnh nhân Tai-Mũi-Họng nói chung.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng
Với viêm mũi dị ứng theo mùa, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này có liên quan đến phấn hoa và bào tử. Khi thời tiết đột ngột thay đổi, nồng độ phấn hoa và bào tử ở trong không khi tăng mạnh khiến cho niêm mũi mạc dễ bị kích ứng.
Với viêm mũi dị ứng quanh năm, theo các chuyên gia, thủ phạm gây ra loại bệnh này có thể là bụi nhà. Cụ thể, những hạt bụi li ti bám trên bề mặt các vật dụng bày trong nhà có thể khiến cho chúng ta bị kích ứng và sinh ra các phản ứng là hắt hơi, sổ mũi.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số yếu tố có thể dẫn đến bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:
– Tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại hoặc các yếu tố gây kích ứng như: Lông động vật, khói thuốc lá, ký sinh trùng, nước hoa, mỹ phẩm…
– Sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mũi gây viêm dị ứng khó chịu
– Các bệnh lý như: Viêm xoang, viêm amidan, viêm họng
– Viêm mũi dị ứng bẩm sinh hoặc do có cơ địa dễ bị dị ứng
– Yếu tố di truyền: Tiền sử trong gia đình có người bị viêm mũi dị ứng
– Người có sức đề kháng yếu, dễ bị cảm cúm, cảm lạnh
3. Dấu hiệu điển hình của viêm mũi dị ứng
Hầu hết, người bệnh bị viêm mũi dị ứng đều sẽ có một số triệu chứng điển hình như:
– Hắt hơi, sổ mũi liên tục
– Ngứa dữ dội ở vùng mũi, tắc mũi, khó thở
– Đau nhức ở đầu
– Thường xuyên mệt mỏi, chán ăn
– Mất tập trung
– Ho dai dẳng kéo dài
– Ngứa mắt, đỏ mắt
Các triệu chứng này có thể kéo dài liên tục trong khoảng từ 7 đến 10 ngày gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
4. Cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng dứt điểm mà chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng kịp thời. Phương pháp điều trị phổ biến nhất đó là sử dụng thuốc. Căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp, một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
– Thuốc kháng histamin
Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng do các kích ứng từ môi trường, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin ở dạng uống hoặc dạng xịt để làm giảm các triệu chứng chảy dịch cửa mũi sau, nghẹt mũi, hắt hơi.
– Thuốc chống xung huyết
Thuốc chống xung huyết có tác dụng giảm tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia, chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn, kéo dài không quá 3 ngày.
– Thuốc thông mũi
Trong trường hợp bệnh nhân bị nghẹt mũi nặng, một số loại thuốc thông mũi sẽ được bác sĩ chỉ định để giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng này.
– Thuốc nhỏ mắt, xịt mũi
Người mắc bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên gặp phải tình trạng ngứa, sổ mũi cũng như hắt hơi liên tục. Trong trường hợp cần thiết, các loại thuốc nhỏ mắt, xịt mũi sẽ được sử dụng để loại bỏ những hiện tượng đó.
Lưu ý những loại thuốc vừa được liệt kê chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế chuyên môn của bác sĩ. Tốt hơn hết, bệnh nhân cần thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý dùng những loại thuốc không có trong đơn hoặc tăng giảm liều lượng khiến thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Ngoài ra, không phải trường hợp viêm mũi dị ứng nào dùng thuốc cũng có tác dụng. Với những trường hợp bị viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuốn mũi hay một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật.
5. Một số lưu ý trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cách ly dị nguyên cũng là một phương pháp được khuyến cáo nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Cụ thể, người bệnh nên tuân thủ theo một số chú ý như sau:
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh tình trạng ẩm, mốc
– Thay chăn, ga, gối, đệm theo định kỳ hàng tháng nhằm hạn chế sự phát triển của ký sinh trùng
– Hạn chế ăn thực phẩm gây dị ứng hoặc có nguy cơ gây dị ứng như: Sữa, hải sản…
– Đảm bảo cơ thể luôn được giữ ấm, đặc biệt là trong thời tiết lạnh
– Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể
Hi vọng rằng với những thông tin trên đã cung cấp kiến thức hữu ích về cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng. Tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm, thế nhưng nếu người bệnh chủ quan không điều trị, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: Viêm xoang cấp và mạn tính, tắc các lỗ thông xoang, polyp mũi – xoang. Bên cạnh đó, đừng quên việc lựa chọn cơ sở uy tín để việc điều trị đạt kết quả cao nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh