Không ăn thức ăn nhiều purin trong giai đoạn tiến triển: Chế độ ăn hợp lý của người bị bệnh gút là nhằm giảm lượng acid uric để không bị tích lũy thành tinh thể ở các khớp và các tổ chức mềm. Hết sức hạn chế ăn phủ tạng động vật như gan, lòng, cật, tim, tiết; cá trích, cá mòi, trứng cá; thịt đỏ, thịt muối; phô mai; cua; tôm. Một số thực phẩm thực vật cũng có hàm lượng purin tương đối cao như nấm, đậu hạt các loại.
Không dùng thức uống có cồn và chất kích thích: Các nghiên cứu về khẩu phần ăn uống đều khuyên người bị gút hoặc tăng acid uric máu đơn thuần phải kiêng rượu, bia hơi, vang trắng, sâm banh, bia nâu. Tránh ăn những chất kích thích như ớt, cà phê… Nên tránh các buổi liên hoan tiệc tùng.
Không quên uống nhiều nước: Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu, sẽ đào thải được nhiều acid uric ra ngoài. Nên uống khoảng 2-3 lít/ngày khi đang uống thuốc trị bệnh. Tốt nhất nên uống các loại nước khoáng có nhiều bicarbonat. Nếu không, có thể uống dung dịch natri bicarbonat 3% để kiểm soát huyết thanh, giúp việc đào thải acid uric thuận lợi hơn.
Không uống các thuốc làm tăng acid uric máu: Đó là các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide (hypothiazide), nhóm giảm đau, hạ sốt salicilat (aspirin). Tuyệt đối không dùng các thuốc nhóm corticoid (prednisolon, dexamethason…) vì chúng có thể làm giảm đau nhanh nhưng lại làm tăng acid uric máu, đẩy nhanh bệnh sang thể mạn tính.
Ngoài chế độ ăn uống, người bị bệnh gút cũng cần tránh các nguy cơ có thể làm xuất hiện bệnh như: làm việc quá sức, nhiễm lạnh, đi giày quá chật, bị nhiễm khuẩn cấp tính hoặc phẫu thuật.
Gút được xếp vào bệnh của thời đại văn minh. Nó thường gây đau đớn dai dẳng cho người bệnh và là sự báo hiệu nguy cơ bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh thận. Bệnh gút có thể diễn biến tốt nếu dùng đúng các thuốc điều trị và tuân thủ chế độ ăn hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh