Phòng ngừa một số bệnh hay gặp vào mùa mưa

Dưới đây là những bệnh cần lưu ý phòng tránh trong mùa mưa.

Hô hấp

Thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi rút sinh trưởng mạnh, tấn công vào hệ hô hấp.

Những người dễ mắc các bệnh về hô hấp khi thời tiết thay đổi thường là: trẻ nhỏ (đây là đối tượng mà hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công), người lớn tuổi (hệ miễn dịch đã suy yếu, khi chuyển mùa lại vừa phải thích ứng với thay đổi của thời tiết, vừa phải chống đỡ các vi rút, vi khuẩn), phụ nữ có thai (hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi).

Biểu hiện của các bệnh về đường hô hấp thường là cảm sốt, nhức người, ho đàm, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Để ứng phó với giai đoạn giao mùa cần tăng cường hệ miễn dịch bằng cách chích ngừa cảm cúm (chích vào tháng 3, tháng 4 để phòng ngừa cảm cúm vào mùa mưa và chích vào tháng 9 hay tháng 10 để phòng ngừa mùa lạnh), chích ngừa viêm phổi, có khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản...), giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh.

 

Da liễu

Đầu mùa mưa, khí hậu tương đối khắc nghiệt đối với da bởi đây là thời điểm giao nhau giữa hai mùa mưa và nắng. Mưa kèm khí hậu nóng ẩm là “kẻ thù không đội trời chung” của làn da.

Cường độ nắng trong môi trường lúc này rất cao. Rải rác các cơn mưa đầu mùa xen kẽ thưa thớt không đủ để cuốn trôi bụi bẩn hay các tác nhân gây bệnh trong môi trường mà ngược lại còn làm bốc hơi các yếu tố gây hại này lơ lửng trong không khí. Chúng khiến da dễ bị tổn thương, viêm, nhiễm... và ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống.

Một số bệnh về da thường gặp và tăng cao do tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời là viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay. Tổn thương là các mảng da đỏ hoặc phù nề, tróc vẩy trên bề mặt, hoặc có thể nổi mụn nước, bóng nước, thường gặp nhất là ở những vùng da tiếp xúc với nắng như mặt, cổ, vùng duỗi cánh tay.

Kế đến là nhóm bệnh lý mà ánh sáng mặt trời gây nặng hơn như mụn trứng cá, chàm, viêm da - cơ, bệnh bóng nước do rối loạn chuyển hóa porphyrin... Nổi bật nhất trong nhóm bệnh này là Lupus đỏ. Các tổn thương da cũng như tiến trình bệnh sẽ nặng hơn, tỷ lệ thuận với việc tiếp xúc ánh nắng. Tiếp đến là viêm da tiết bã với các mảng da đỏ, sần sùi, đóng vẩy vàng trên bề mặt, ở các vùng da bị nhờn nhiều như hai má, nếp mũi - má, sau tai, da đầu.

Ngoài ra còn có nhóm bệnh lý liên quan đến tăng tiết mồ hôi bởi khí hậu nóng ẩm rất dễ khiến da nổi mề đay do mồ hôi hoặc do nước mưa; bệnh nhiễm trùng như chốc ở em bé với biểu hiện là mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh sau hóa thành mủ, rồi bể, khô đi, và đóng mài. Hơn nữa, khí hậu nóng ẩm còn tạo điều kiện cho các loại vi nấm phát triển.

Trong đó, thường gặp nhất là các loại vi nấm nông (gây bệnh ở lớp sừng của da), có thể kể đến là bệnh do vi nấm sợi tơ, bệnh do vi nấm hạt men và bệnh lang ben. Các biểu hiện bệnh có thể xuất hiện nhiều nơi ở da, niêm mạc, tóc và móng hay hăm kẽ ở những người tăng cân, nấm da ở nách, bẹn, mông...

Để phòng ngừa các bệnh vừa kể trên, nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, vải mỏng nhẹ mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa... Khi thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt nên thường xuyên thay quần áo... để cho da được khô thoáng.

 

Xương khớp

Mưa, gió lạnh, chuyển mùa... khiến các mạch máu ngoại vi co lại và làm giảm khả năng cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp gây ra các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.

Hơn 90% người bệnh than phiền về bệnh đau khớp vào mùa mưa, mà thường gặp nhất là ở độ tuổi trung và cao niên. Trong đó triệu chứng đau là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai hay khớp háng. Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt là sáng sớm trời lạnh.

Nền hay sàn nhà ẩm ướt, bậc tam cấp, nhà vệ sinh... trơn trượt là yếu tố nguy hiểm dễ dẫn đến nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Người lớn tuổi chức năng đi đứng đã bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi tác, bệnh nội khoa vốn có, thêm vào đó sự bất cẩn của người nhà cũng như sự ỷ lại chủ quan của chính người bệnh là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp gãy đầu dưới xương quay, gãy đầu trên xương cánh tay, gãy mắt cá, gãy xẹp cột sống ngực, thắt lưng, gãy vùng xương đùi.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh này vào mùa mưa là nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Luyện tập được xem như liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức. Ngoài ra, cần thiết kế chế độ ăn uống hợp lý với nhóm thực phẩm giàu vitamin C và E, can xi, uống nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp, 2 ly sữa mỗi ngày và mỗi tuần ăn hai bữa tôm cua để phòng tránh loãng xương, một nguyên nhân thường đi kèm thoái hóa khớp gây đau nhức.

Để phòng chống té ngã ở người lớn tuổi, nên làm khô ngay nền ướt, không để người già đi một mình lên xuống cầu thang hay bậc thềm, đối với đối tượng nguy cơ cao nên đi vệ sinh tại giường vào ban đêm hay phải có người nhà đi cùng, cắt ngắn gấu quần dài, chuẩn bị dép đi trong nhà không quá trơn, đi lại bằng khung hoặc gậy nạng để trợ giúp...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top