Sơ cứu cho trẻ khi bị gãy xương

Gần đây phổ biến tình trạng các bé bị tai nạn do chơi đùa gặp thương tích nghiêm trọng. Hầu hết trường hợp vào viện khi chưa được xử lý sơ cứu tại chỗ dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Trong khi đó kỹ thuật sơ cứu tại chỗ khi gặp tai nạn rất quan trọng trong việc cầm máu, điều trị vết thương của bệnh nhân.

Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, thầy cô nên trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cứu để giúp trẻ khi gặp tai nạn. Theo đó, các bước sơ cứu nạn nhân gãy xương như sau:

- Đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn.

- Đặt nạn nhân nằm ở tư thế thuận lợi.

- Chống sốc cho nạn nhân (nếu có).

- Bộc lộ vùng bị thương, quan sát đánh giá, xác định vị trí tổn thương.

- Băng vết thương nếu có rách da gây chảy máu (gãy xương hở).

- Cố định xương gãy bằng nẹp.

- Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Hùng cho biết, mục đích của việc sơ cứu, cố định gãy xương là giúp nạn nhân đỡ đau và phòng ngừa sốc. Chính vì thế tuyệt đối không vận động phần bị tổn thương nếu không cần thiết. Cố định tạm thời vị trí gãy xương giảm bớt nguy cơ gây thêm các thương tổn mạch máu, thần kinh, cơ, da… Trong trường hợp gãy hở, băng kín các vết thương giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Nguyên tắc cố định xương gãy

- Nẹp phải đủ dài để bất động chắc khớp trên và khớp dưới chỗ gãy.

- Không đặt nẹp trực tiếp sát vào da nạn nhân, đầu nẹp, các chỗ mấu lồi của đầu xương phải lót bông, vải rồi mới đặt nẹp.

- Nẹp phải được cố định chặt vào chi bị thương thành một khối.

- Các nút cố định ở trên hoặc dưới vị trí gãy một khớp, riêng với vị trí gãy xương đùi bất động thì phải ba khớp.

- Bất động chi theo tư thế cơ năng (chi dưới duỗi 180 độ, chi trên gấp khuỷu 90 độ).

- Đối với gãy hở, gãy nội khớp: Phải bất động theo tư thế gãy, không kéo nắn, ấn đầu xương gãy vào trong. Nếu có tổn thương động mạch phải đặt garo tùy ứng, sau khi cố định tiến hành băng vết thương (gãy hở).

- Đối với gãy kín: Phải nhẹ nhàng, cẩn thận khi tiến hành cố định. Phải có người phụ kéo chi liên tục bằng một lực không đổi cho tới khi cố định xong.

- Không nên cởi quần áo nạn nhân. Nếu cần phải bộc lộ vết thương thì cắt quần áo theo đường chỉ. Nếu phải cởi quần áo thì cởi bên lành trước.

-  Sau khi cố định xong thì buộc khăn chéo treo lên cổ đối với chi trên, buộc hai chi vào nhau đối với chi dưới.

- Thường xuyên nâng cao chi bị gãy sau khi cố định để giảm sự sưng nề, khó chịu.

- Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở điều trị, thường xuyên quan sát theo dõi nạn nhân về tình trạng toàn thân, đặc biệt là tình trạng tuần hoàn phía dưới ổ gãy.

 

Dụng cụ để cố định gãy xương

- Nẹp: Nẹp gỗ, nẹp thomas, nẹp Kramer, nẹp kim loại, nẹp hơi... hoặc nẹp tùy ứng như thanh tre, thanh gỗ, gậy...

- Băng: To bản dùng để buộc, giữ nẹp ôm lấy phần thân cố định hoặc dây vải chắc (chi trên dùng ba dây, cẳng chân dùng bảy dây, đùi dùng 10 dây).

- Bông: Bông mỡ hoặc đệm mềm để đệm các vùng nẹp tiếp xúc với đầu xương, nẹp, có thể dùng vải hoặc giấy mềm thay thế.

-  Khăn chéo: Để treo tay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top