✴️ Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp gối bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi hoặc rách nứt, biến mất khiến cho xương trong khớp bị va chạm, chà sát lên nhau gây ra các triệu chứng sưng, đau, cứng khớp và hạn chế khả năng vận động.

Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp gối bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi hoặc rách nứt

 

Bệnh thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?

Khớp gối có mối liên hệ chặt chẽ với các bộ phận xương khớp khác trong cơ thể, do đó, khi khớp gối bị thoái hóa hay tổn thương, các bộ phận khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp gối có thể thúc đẩy sự hình thành của gai xương trên khớp gối dẫn đến bệnh gai khớp gối, đồng thời gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp gối bao gồm:

Đau nhức dai dẳng: cơn đau ngày càng kéo dài và dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, vận động và tâm lý của người bệnh…

Gối bị biến dạng: gối thường có hiện tượng sưng to, biến dạng, đau nhức.

Không thể đi lại bình thường

Teo cơ, liệt: các cơ từ gối trở xuống sẽ dần có cảm giác yếu hơn, người bệnh khi đi lại có cảm giác run chân, dần dần chân đứng không vững; cơ có hiện tượng bị teo, người bệnh rơi vào tình trạng liệt…

 

Bị thoái hóa khớp gối điều trị thế nào?

Hoạt động thể chất

Tập thể dục là cách tốt nhất để giảm đau, giảm viêm khớp và giảm tổn thương khớp. Tập thể dục cũng có thể giúp bạn giảm cân. Tổ chức Viêm khớp cho biết hai bài tập tốt nhất cho người bị viêm khớp là đi bộ và tập thể dục dưới nước. Cả hai đều dễ dàng thực hiện và tốt cho những người thừa cân hoặc mới bắt đầu tập thể dục. Hai bài tập này giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và điều hòa thể chất.

Chỉ định vật lý trị liệu qua các bài tập cùng các điều trị hỗ trợ như laser, sóng ngắn, siêu âm…

Giảm cân

Béo phì có thể gây thoái hóa khớp. Những trường hợp có thừa cân – béo phì cần được tư vấn và điều trị giảm cân, nếu giảm được 5kg, giúp giảm 50% nguy cơ khởi phát đau khớp gối.

Thuốc

Sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau (đường uống, bôi tại chỗ, tiêm vào trong khớp gối), các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (Glucosamine sulfate và chondroitin sulfate, Diacerheine, piascledine,…).

Tiêm chất nhờn vào khớp

Hyaluronic acid (HA) là thành phần chính trong dịch nhờn của khớp động nói chung và khớp gối nói riêng. Acid này ngoài nhiệm vụ bôi trơn khớp còn có tác dụng dinh dưỡng cho sụn khớp, chống quá trình viêm trong khớp gối. Tiêm HA vào gối là biện pháp hữu hiệu giúp giảm đau, bôi trơn sụn khớp. Bệnh nhân không phải uống thêm các loại thuốc khác và không lo nguy hại tới dạ dày.

Phẫu thuật

Điều trị dưới nội soi khớp.

Cắt lọc, bào, rửa khớp.

Khoan kích thích tạo xương (microfrature).

Cấy ghép tế bào sụn.

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo.

Phương pháp này được định ở các thể nặng tiến triển, có giảm nhiều chức năng vận động. Thường được áp dụng ở những bệnh nhân trên 60 tuổi.

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý:

Hạn chế đứng lâu, đi bộ nhiều, trong đợt đau cấp tính cần được nghỉ ngơi.

Bơi và đạp xe đạp (giúp bệnh nhân tránh được tác động của trọng lượng đè nén lên khớp gối), thời gian trung bình 30 phút/ ngày.

Đeo băng thun khớp gối khi vận động, đặc biệt ở những trường hợp có kèm dãn dây chằng khớp gối.

Chế độ ăn uống giàu canxi và khoáng chất, kiểm soát cân nặng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top