✴️ Viêm khớp dạng thấp: Từ A – Z những điều bạn cần lưu ý

Viêm khớp dạng thấp là 1 trong những bệnh lý xương khớp khá nguy hiểm và có nguy cơ gây tàn phế cao. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bệnh này, triệu chứng và cách phòng, điều trị bệnh ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 

1. Khái niệm về bệnh viêm khớp dạng thấp

1.1 Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh thấp khớp (RA – Rheumatoid Arthritis) là 1 trong những bệnh lý tự miễn mạn tính. Nguyên nhân gây bệnh là do những tổn thương ở màng hoạt dịch của khớp khi hệ thống miễn dịch gặp trục trặc và tấn công lại các mô lành trong cơ thể. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và phổ biến nhất ở những người ở tuổi trung niên.

Bệnh thường biểu hiện khớp đối xứng trong cơ thể điển hình như ở hai tay, phần hai cổ tay hoặc hai đầu gối. Nếu bệnh xuất hiện ở nhiều khớp thì gọi là viêm đa khớp dạng thấp. 

1.2 Các giai đoạn của bệnh

Viêm khớp dạng thấp được phân làm nhiều giai đoạn với những triệu chứng khác nhau: 

Giai đoạn 1: Lúc này người bệnh có các triệu chứng như cảm giác đau ở khớp, cứng khớp hoặc vùng khớp bị sưng đỏ. 

Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, tình trạng viêm đã trở nên nặng hơn, có thể gây những tổn thương sụn khớp lúc này, ngoài các cơn đau người bệnh cũng bị hạn chế vận động.

Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, các tổn thương lan ra và ảnh hưởng đến cả xương. Người bệnh sẽ thấy sưng và đau nhiều, 1 số trường hợp mất khả năng vận động nghiêm trọng, thậm chí xương có thể bị biến dạng. 

Giai đoạn 4: Lúc này chức năng của các khớp đã gần như mất hẳn, khiến bệnh nhân đau đớn, tình trạng sưng, cứng khớp nghiêm trọng và không còn khả năng vận động.Thậm chí ở giai đoạn này người bệnh có thể gặp phải chứng dính khớp.

 

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây nên thấp khớp là do hệ miễn dịch vốn có chức năng chống lại các tác nhân gây hại để bảo vệ cơ thể lại tấn công màng hoạt dịch. Điều này khiến màng hoạt dịch bị viêm và phá hủy sụn, xương. Tuy nhiên nguyên nhân nào gây nên tình trạng này thì cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác dù nhiều nguồn ý kiến là do di truyền.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần lưu ý như:

Giới tính: Theo thống kê nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới, tuy nhiên nam giới khi mắc bệnh lại thường gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tuổi tác: Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Theo nghiên cứu thì những người ở tuổi trung niên thường dễ mắc bệnh hơn tuy nhiên bệnh không loại trừ các độ tuổi khác. 

Yếu tố di truyền: Di truyền được coi là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng viêm khớp, do đó nếu gia đình bạn có người bị viêm khớp thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Người hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Đây cũng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. 

Người thừa cân béo phì: Thừa cân sẽ khiến khớp phải chịu áp lực lớn trong thời gian dài, theo nghiên cứu những người bị thừa cân béo phì cũng có nguy cơ viêm khớp cao hơn những người khác. 

 

3. Nhận biết triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Khi bị mắc bệnh, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng điển hình như:

– Các khớp sưng đỏ, nóng và có cảm giác đau.

– Cứng khớp, đặc biệt dấu hiệu này sẽ trầm trọng hơn vào sáng sớm.

– Sốt, cơ thể mệt mỏi và có cảm giác chán ăn.

– Thông thường bệnh sẽ biểu hiện ở các khớp nhỏ trước như khớp ngón tay bàn tay, ngón chân bàn chân sau đó mới lan ra các khớp khác như đầu gối, khuỷu tay, bả vai, hông… Bệnh xảy ra ở các khớp đối xứng trong cơ thể.

Để chẩn đoán bệnh, ngoài việc dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm 1 số xét nghiệm máu để khẳng định chính xác tình trạng bệnh. 

 

4. Biến chứng có thể gặp phải của viêm khớp dạng thấp

Bệnh thấp khớp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh có thể kể đến như: 

– Dính khớp, biến dạng khớp do sụn khớp bị bào mòn làm hẹp khe khớp dẫn đến xương dính vào nhau gây mất khả năng vận động.

– Xuất hiện các khối mô cứng (bướu trên da) xung quanh các khu vực khớp chịu áp lực lớn.

– Biến chứng khô mắt, miệng: Nguyên nhân là do người bệnh có nguy cơ mắc hội chứng Sjogren làm giảm độ ẩm trong mắt và miệng.

– Nhiễm trùng: Người bệnh viêm khớp dạng thấp cũng dễ gặp phải tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

– Nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Bệnh làm tăng nguy cơ bị xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch cũng như viêm túi bao quanh tim.

– Bệnh phổi: Theo nghiên cứu những người mắc bệnh thấp khớp có nguy cơ  gặp phải tình trạng viêm và sẹo mô phổi.

– Ung thư hạch: Ngoài các biến chứng trên người bị thấp khớp còn có nguy cơ bị ung thư hạch.

 

5. Phương pháp phòng và điều trị viêm khớp dạng thấp

5.1. Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Việc điều trị bệnh như thế nào sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể sau khi thăm khám cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng  thuốc kết hợp với các phương pháp nghỉ ngơi, tập luyện… nhằm khắc phục tình trạng tổn thương khớp. 

Trong trường hợp tình trạng bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để phục hồi khả năng vận động cho người bệnh.

5.2. Giải pháp phòng tránh viêm khớp dạng thấp

– Duy trì cân nặng hợp lý: Những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì thế bạn nên giữ cân nặng cơ thể ở mức hợp lý bằng cách xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Tuy nhiên cần lưu ý luyện tập vừa phải hợp lý để tránh làm tổn thương khớp.

– Tránh xa thuốc lá: Để phòng bệnh viêm khớp dạng thấp bạn nên hạn chế sử dụng thuốc lá vì đây cũng là 1 trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ngoài ra hút thuốc càng khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.

– Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Vì việc này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy đảm bảo sử dụng các đồ bảo hộ đúng cách.

– Kịp thời khám và điều trị khi có triệu chứng: Việc này sẽ giúp bệnh được phát hiện sớm và kịp thời để điều trị, tránh tiến triển nặng làm ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm khớp dạng thấp và có phương pháp phòng tránh hiệu quả. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất, tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top