Tiền hỗ trợ từ công đoàn
Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ.
Cụ thể, nếu người lao động có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế thì sẽ được nhận hỗ trợ từ công đoàn tối đa 3 triệu đồng/người.
Trường hợp người lao đồng điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế thì sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Về nguyên tắc, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.
Về thủ tục để được nhận tiền hỗ trợ sẽ tùy vào hướng dẫn của Công đoàn từng địa phương. Ví dụ, theo Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh tại Công văn số 1101/LĐLĐ-TC, nếu thuộc trường hợp được hỗ trợ 3 triệu đồng, F0 cần nộp bản photo giấy ra viên hoặc hồ sơ bệnh án (các loại giấy tờ này phải thể hiện số ngày điều trị nội trú hoặc ngày vào - ra viện).
Nếu thuộc trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, F0 điều trị nội trú nộp giấy tờ như trường hợp trên; nếu điều trị tại nhà cần nộp bản photo giấy hoàn thành cách ly y tế hoặc văn bản cách ly y tế do cơ quan có thẩm quyền cấp (có thể hiện số ngày cách ly tại nhà).
Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau
Căn cứ Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Bên cạnh đó, Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động. Cụ thể, nếu người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trường hợp người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Thời gian nghỉ nêu trên tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Theo Công văn 238/BYT-KCB, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú), sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.
Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19
Theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày.
Bên cạnh đó, mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.
Tiền lương do người sử dụng lao động trả
Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 14 ngày làm việc.
Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 16 ngày làm việc.