MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VÀ QUY ĐỊNH TƯƠNG ỨNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU (P2)

Nội dung

11

Việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện thực hiện như thế nào?

I. Đối với nhà thuốc của bệnh viện, nằm trong khuôn viên của bệnh viện (theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT):

1. Đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh viện có thể lựa chọn:

- Tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của bệnh viện và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định

- Tách riêng số lượng thuốc cần mua sắm để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu; lập KHLCNT và tổ chức lựa chọn nhà thầu riêng. Trong trường hợp này, bệnh viện có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2023, tuy nhiên phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (ví dụ: trường hợp áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023; các Điều 76, 77, 78 và khoản 1 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp thì phải tuân thủ quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023 và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP…). Trong trường hợp này, bệnh viện cần lưu ý, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).

2. Đối với thuốc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh viện tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

 

II. Đối với nhà thuốc tư nhân nằm trong khuôn viện bệnh viện, không thuộc quyền quản lý của bệnh viện, ví dụ bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm thì hoạt động mua thuốc, vật tư y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… của các cơ sở này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công và quy định khác có liên quan.

12

Việc bệnh viện mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế để bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện trong khuôn viện bệnh viện có phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 không?

Khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện dự toán mua sắm, mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu.

Do đó, việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của bệnh viện để mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

13

Bệnh viện A thuộc tỉnh X có được sử dụng kết quả đấu thầu rộng rãi của Bệnh viện B thuộc tỉnh Y để áp dụng mua sắm trực tiếp hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023, mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc dự án, dự toán mua sắm của cùng một chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư khác. Như vậy, Bệnh viện A thuộc tỉnh X có được sử dụng kết quả đấu thầu rộng rãi của Bệnh viện B thuộc tỉnh Y để áp dụng mua sắm trực tiếp.

Tuy nhiên, Bệnh viện A phải bảo đảm việc mua sắm trực tiếp đáp ứng quy định tại  khoản 1 Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023.  Quy trình, thủ tục mua sắm trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023 và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

14

Bệnh viện A trực thuộc Bộ Y tế, có trụ sở đóng tại tỉnh X có nhu cầu mua thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương của tỉnh X. Vậy bệnh viện A có được đề nghị đơn vị mua sắm thuốc tập trung tỉnh X tổng hợp nhu cầu của bệnh viện A để đưa vào gói thầu mua sắm tập trung thuốc của tỉnh X hay không?

Các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế hoặc thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế có thể thỏa thuận với Đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương để tổng hợp nhu cầu mua sắm của cơ sở y tế vào gói thầu mua sắm thuốc tập trung của địa phương.

Các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương có thể chấp thuận tổng hợp nhu cầu của các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế hoặc thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, đồng thời không cần phải có sự chấp thuận của Bộ Y tế

Ngoài ra, cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có thể sử dụng kết quả đấu thầu rộng rãi của Đơn vị mua sắm tập trung để áp dụng mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023 và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đối với thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương.

15

Gói thầu mua thuốc X được tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 31/12/2023; thời gian thực hiện gói thầu là 12 tháng.

Vậy tại thời điểm tháng 7/2024, việc điều chỉnh hợp đồng thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 hay Luật Đấu thầu năm 2023?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Đấu thầu năm 2023, đối với các gói thầu đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày 01/01/2024 thì thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Như vậy, việc điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2013.

16

Bệnh viện A đang thực hiện mua sắm đối với gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng, vậy Bệnh viện A có phải lập, thẩm định và phê duyệt KHLCNT hay không?

Đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023. Theo đó thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các bệnh viện cần lưu ý không được lạm dụng quy định này để chia nhỏ gói thầu nhằm áp dụng quy trình mua sắm cho gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng. 

17

Khi lập hồ sơ mời thầu với gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có được quy định cụ thể xuất xứ hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2023, hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Theo đó, khi lập HSMT, bệnh viện có thể quy định về xuất xứ của hàng hóa theo nhóm nước, vùng lãnh thổ (ví dụ: xuất xứ G7; G20; Châu Âu; nhóm nước: Mỹ, Nhật, Đức, Pháp...)

18

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc gói thầu cần chú trọng tới cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và giá thì trước đây được áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá (xếp hạng nhà thầu theo điểm tổng hợp = điểm kỹ thuật + điểm giá). Vậy theo Luật Đấu thầu năm 2023 có được áp dụng phương pháp đánh giá này đối với gói thầu mua sắm hàng hóa nêu trên hay không?

Phương pháp phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá chỉ được áp dụng cho gói thầu có phương thức lựa chọn nhà thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu năm 2023, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ chỉ được áp dụng đối với đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ. Hiện nay, pháp luật về khoa học công nghệ chưa có quy định cụ thể về danh mục/tiêu chuẩn xác định gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa (trong đó có thuốc, thiết bị y tế) chỉ được áp dụng phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ mà không được áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, không được sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Do đó, gói thầu mua sắm hàng hóa có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc gói thầu cần chú trọng tới cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và giá (bao gồm cả gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế) không được sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trường hợp gói thầu cần xem xét trên cơ sở chú trọng tới các yếu tố kỹ thuật và giá, chủ đầu tư có thể quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 80% tổng số điểm tối đa về kỹ thuật (thay cho mức 70% như các gói thầu thông thường).

19

Theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP thì “Cấp trên của đơn vị mua sắm tập

trung thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền”. Như vậy quy định “Cấp trên” được hiểu là Uỷ ban nhân dân tỉnh hay Sở Y tế? Cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định KHLCNT

Người có thẩm quyền quyết định mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế xác định theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 126 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Theo đó, đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với gói thầu ngoài gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hoặc một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

20

Bộ Y tế hiện chưa có Thông tư hướng dẫn hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc, vậy Sở y tế căn cứ vào quy định nào để xây dựng danh mục mua sắm cấp địa phương?

Việc xây dựng Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương thực hiện theo các điều kiện về mua sắm tập trung quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023. Do vậy, Sở y tế các địa phương cần nghiên cứu các điều kiện này để  báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh ban hành danh mục MSTT theo đúng thẩm quyền

21

Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp trong bệnh viện thì nên áp dụng loại hợp đồng nào cho phù hợp, hiệu quả và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của nhà thầu

Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp trong bệnh viện thì nên áp dụng loại hợp đồng theo kết quả đầu ra quy định tại khoản 6 Điều 64 Luật Đấu thầu năm 2023 cho phù hợp, hiệu quả và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của nhà thầu.

Theo đó, việc thanh toán căn cứ vào kết quả thực hiện hợp đồng được nghiệm thu về chất lượng, số lượng và các yếu tố khác (khoản 6 Điều 64 Luật Đấu thầu năm 2023). Giá trị thanh toán được xác định trên cơ sở giá trị công việc thực tế đã được nghiệm thu tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, cộng hoặc trừ với mức tăng giá trị thanh toán, mức giảm trừ thanh toán theo quy định trong hợp đồng căn cứ theo kết quả đầu ra (khoản 6 Điều 64 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP).

22

Gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng có bắt buộc phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói như Luật Đấu thầu năm 2013 hay không?

Luật Đấu thầu năm 2023 không còn quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng như Luật Đấu thầu năm 2013.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu năm 2023, hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với:

- Gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được;

- Gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay.

return to top