MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VÀ QUY ĐỊNH TƯƠNG ỨNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU

Nội dung

STT

Câu hỏi thường gặp

Quy định tương ứng của pháp luật về đấu thầu

1

Cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc mua sắm mà không nhất thiết phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 trong những trường hợp nào?

Khoản 7 Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu mà không nhất thiết phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu trong một số trường hợp sau:

1. Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

2. Gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (ví dụ gói thầu mua thiết bị sử dụng nguồn vốn huy động từ cán bộ, nhân viên của bệnh viện).

3. Thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất (ví dụ thuê địa điểm để đặt phòng khám).

4. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu (ví dụ: bệnh viện là nhà thầu trúng thầu gói thầu khám sức khỏe định kỳ cho cơ quan A thì việc bệnh viện mua thuốc, vật tư y tế, thuê xe vận chuyển…. để phục vụ việc thực hiện hợp đồng đã ký với cơ quan A không phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023).

5. Mua thuốc nằm ngoài danh mục thuốc do quỹ BHYT chi trả.

6. Mua vắc xin để tiêm chủng dịch vụ.

2

Có bắt buộc phải có dự toán được phê duyệt hoặc có ngân sách được phân bổ về cho bệnh viện thì bệnh viện mới được tổ chức đấu thầu hay không? Việc tổ chức đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt hoặc chưa được phân bổ kinh phí có vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 hay không?

Pháp luật đấu thầu không có quy định bắt buộc phải có dự toán được duyệt hay kinh phí được phân bổ về cho bệnh viện thì bệnh viện mới được tổ chức lựa chọn nhà thầu. Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2023 Dự toán mua sắm là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập; dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Theo đó, dự kiến nguồn vốn dùng để mua thuốc, vật tư tiêu hao… sẽ dùng từ nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh, nguồn quỹ BHYT (mặc dù chưa được phê duyệt) nhưng các bệnh viện hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu mà không vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại khoản 9 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, các bệnh viện phải bảo đảm có đủ kinh phí để thanh toán hợp đồng cho nhà thầu.

3

Để bảo đảm có ngay thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ ngày 01/01/2025, bệnh viện có thể tổ chức phê duyệt KHLCNT, tổ chức đấu thầu từ tháng 8/2024 (tại thời điểm tháng 8/2024 chưa có dự toán chi năm 2025 được phê duyệt)

Theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để mua sắm cho các năm tiếp theo (ví dụ: tháng 8 năm 2024, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong năm 2025, 2026). Trong trường hợp này, văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu

4

Để bảo đảm việc cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt là…) không bị gián đoạn, đồng thời tiết kiệm thời gian tổ chức đấu thầu, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng cung cấp với thời gian dài hơn 1 năm (12 tháng) được không?

Theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 37 và khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt là…) với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm (ví dụ: bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho các năm 2025, 2026). Trong trường hợp này, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.

5

Khi phê duyệt KHLCNT có nên áp dụng tùy chọn mua thêm hay không? Trường hợp cho phép áp dụng tùy chọn mua thêm 30% nhưng thực tế bệnh viện không mua thêm hoặc mua thêm dưới 30% thì có vi phạm quy định không?

Tùy chọn mua thêm được quy định tại khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023. Theo đó, khi phê duyệt KHLCNT (đặc biệt đối với các gói thầu cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao … phục vụ hoạt động thường xuyên của bệnh viện), bệnh viện nên áp dụng tùy chọn mua thêm với tỷ lệ tối đa 30%. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu bệnh viện không mua thêm hoặc mua thêm ít hơn 30% thì không vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

6

Tùy chọn mua thêm phê duyệt trong KHLCNT là 30%, trong quá trình thực hiện hợp đồng, bệnh viện có được mua thêm nhiều lần với tổng giá trị không quá 30% hay chỉ được mua thêm một lần.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, bệnh viện được áp dụng tùy chọn mua thêm nhiều lần nhưng không vượt mức tối đa nêu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

 

7

Giá gói thầu phê duyệt trong KHLCNT có bao gồm giá trị của phần tùy chọn mua thêm (30%) hay không?

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm

8

Dự toán cho phần tùy chọn mua thêm phải được phê duyệt ngay từ khi phê duyệt KHLCNT, phê duyệt HSMT, ký hợp đồng hay phê duyệt trước khi mua thêm

Theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, một trong các điều kiện để thực hiện mua thêm là có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm. Theo đó, việc phê duyêt dự toán đối với khối lượng muc thêm được thực hiện trước khi mua thêm mà không bắt buộc phải phê duyệt ngay từ khi phê duyệt KHLCNT, phê duyệt HSMT hoặc khi ký kết hợp đồng ban đầu.

9

Gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu có được áp dụng tùy chọn mua thêm hay không?

Theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, tùy chọn mua thêm chỉ áp dụng đối với nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá. Do đó, trường hợp gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, khi phê duyệt KHLCNT không được áp dụng tùy chọn mua thêm.

10

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT hướng dẫn về đấu thầu mua thuốc, vậy việc thực hiện đấu thầu mua vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì thực hiện theo Thông tư nào?

Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT và Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Xem tiếp phần 2

return to top