✴️ Viêm chít hẹp bao gân gấp ở bàn tay (Chứng ngón tay lò xo)

Định nghĩa chứng ngón tay cò súng

Ngón tay cò súng (NTCS), được định nghĩa là viêm trít hẹp bao gân gấp ngón tay. Là tình trạng một trong các ngón tay của bạn bị “khóa” hay bị “kẹt” ở tư thế bị bẻ cong (gấp), giống tư thế của ngón tay khi bóp cò súng. Khoang bên trong bao, xung quanh gân gấp, bị thu hẹp lại. Thời kỳ đầu, bạn có thể duỗi thẳng ngón này ra và nghe một tiếng tách – như là cò súng sau khi kéo được nhả ra.

Giải pháp bao gân gấp ngón tay

Ngón tay cái có hai gân của các cơ gấp ngón cái dài và ngắn. Các ngón còn lại, mỗi ngón có hai gân của các cơ gấp các ngón tay nông và sâu. Các gân này của mỗi ngón được bao xung quanh bởi bao gân gấp. Cấu tạo của bao gân gấp khá phức tạp:

Ngoài cùng là bao gân xơ. Bao này có một hệ thống các dải mô xơ tạo nên các ròng rọc hình vòng cung (5 cái: A1 đến A5) và hình chữ thập (3 cái: C1 đến C3). Các ròng rọc này bám vào các đốt xương ngón tay phía sau và nối liền với nhau bằng các phần mỏng của bao. Tuyệt đối không được đụng chạm, phẫu tích hay cắt các ròng rọc A2 và A4 (tương ứng với các xương đốt gần và giữa của ngón) để giữ cho gân gấp luôn gần với xương khi nó vận động. Trong ngón tay cò súng, nốt dày lên của gân gấp vấp vào miệng của đường hầm bao gân xơ khiến cho ngón tay không duỗi ra được từng lúc và ở tư thế gấp. Khi gân chui vào và trượt qua được vùng hẹp thì ngón đột nhiên duỗi thẳng, bạn có thể nghe một tiếng tách.

Phía dưới bao gân xơ là một bao bảo vệ gọi là bao hoạt dịch. Bao này đi từ đầu gần của dây chằng cổ tay đến nền của xương đốt ngón cuối cùng và tiết ra hoạt dịch giúp cho gân bên trong trượt được dễ dàng. Chấn thương hay một số nguyên nhân khác làm cho gân và bao hoạt dịch bị viêm hay bị phù, được gọi là viêm gân-bao hoạt dịch. Cho nên bản chất thực sự của ngón tay cò súng, nói một cách đầy đủ là viêm gân và viêm trít hẹp bao hoạt dịch xung quanh gân gấp ngón tay.

Triệu chứng ngón tay cò súng

Các triệu chứng và dấu hiệu có thể tăng từ nhẹ đến nặng,  bao  gồm:

  • Ngón tay cứng, nhất là về sáng
  • Ngón tay bị kẹt ở tư thế bẻ cong, và khi duỗi thẳng ra được thì nghe một tiếng tách
  • Đau nhẹ và/hay phù nhẹ ở gốc ngón. Bệnh nhân có thể bị đánh thức khi đang ngủ vì ngón tay bị kẹt ở tư thế gấp, gây đau
  • Có một nốt nhỏ ở gan bàn tay tại nền của ngón bị ảnh hưởng
  • Thời kỳ nặng: ngón tay bị kẹt ở tư thế gấp mà không thể tự duỗi thẳng ra được, phải dùng bàn tay kia để kéo ra.
  • Có thể bị cùng lúc nhiều hơn một ngón, và có thể bị ở cả hai bàn tay. NTCS thường nặng hơn về sáng, khi nắm chắc một đồ vật hay khi duỗi thẳng ngón.

Khi khớp ngón bị nóng hay viêm. Bạn cần đi khám bệnh ngay vì các dấu hiệu này có thể là do nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân của chứng ngón tay cò súng

Gân là những thừng xơ khỏe, gắn cơ với xương. Trong trường hợp này là các gân đi từ các cơ ở cẳng tay, kéo gấp ngón tay về phía gan tay. Các gân gấp nông và sâu của mỗi ngón được bao quanh bởi bao gân. NTCS xảy ra  khi  bao  hoạt dịch xung quanh bị kích thích và viêm, cản trở sự trượt của các gân ở trong bao. Gân với một nốt dày lên có thể trượt ra ngoài bao  khi  bạn  gấp ngón nhưng khó vào lại một cách dễ dàng do tình trạng phù.

Nguyên nhân của chứng ngón tay cò súng

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng ngón tay cò súng

Bao gồm:

  • Bàn tay nắm chặt lặp đi lặp lại, do nghề nghiệp hay do sở thích.
  • Một số vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, chứng thoái hóa dạng tinh bột, hội chứng ống cổ tay, người chạy thận nhân tạo…
  • Giới. Gặp nhiều hơn ở nữ giới.
  • Tuổi. Thường gặp ở tuổi > 40.

Chẩn đoán chứng ngón tay cò súng

Chẩn đoán dựa trên bệnh sử và khám thực thể. Khi khám, bạn được yêu cầu mở và nắm bàn tay, tìm những vùng bị đau, tình trạng của vận động dễ hay khó, và dấu hiệu của kẹt ngón. Đau tăng lên khi có những tác động làm căng gân hoặc làm gấp ngón có đối kháng. Bác sĩ khám gan bàn tay của bạn xem có một nốt nhỏ lồi lên hay không. Khi có nốt lồi đi kèm với NTCS, nốt này có thể di chuyển khi vận động ngón vì nó là thành phần (bệnh lý) của gân gấp.

Chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác làm đau khớp bàn-ngón như: chấn thương dây chằng, bong gân của khớp bàn-ngón,  viêm  bao gân của các cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái (hội chứng de Quervain) hoặc thoái hóa khớp bàn- ngón sau chấn thương.

Điều trị chứng ngón tay cò súng

Điều trị NTCS thay đổi tùy theo độ nặng và khoảng thời gian mắc bệnh.

Thuốc

Các thuốc kháng viêm không steroid – như ibuprofen, naproxen – có thể làm giảm đau nhưng không chắc làm giảm được phù, là nguyên nhân của trít hẹp bao gân hoặc làm kẹt gân.

Điều trị nội khoa

Các điều trị bảo tồn không xâm lấn bao gồm:

  • Nghỉ ngơi. Ít nhất trong 3-4 tuần, tránh mọi hoạt động đòi hỏi nắm chặt tay lặp đi lặp lại, cầm nắm hoặc sử dụng kéo dài một máy rung cầm tay.
  • Nước đá hoặc nhiệt. Một số được cải thiện bằng chườm đá vài ba lần trong ngày. Một số được cải thiện với ngâm tay trong nước ấm, nhất là làm ngay đầu tiên lúc sáng sớm.
  • Nẹp. Nẹp chất dẻo giữ cho ngón tay hoàn toàn thẳng. Có thể đeo nẹp ban đêm giữ ngón ở tư thế duỗi trong sáu tuần, giúp cho gân được nghỉ ngơi. Còn giúp các ngón không bị gấp lại khi ngủ, gây đau khi vận động các ngón vào buổi sáng.
  • Các bài tập duỗi ngón. Tập nhẹ nhàng giúp duy trì vận động của ngón.

Phẫu thuật và các phương pháp khác

Được chỉ định khi các triệu chứng nặng lên và các điều trị bảo tồn không hiệu quả:

  • Tiêm steroid. Tiêm thuốc vào gần hay vào trong bao gân làm giảm viêm và do đó làm cho gân trượt dễ dàng. Đôi khi phải tiêm một mũi thứ hai sau 6 tuần hoặc hơn. Hiệu quả đến 90% các trường hợp. Ở bệnh nhân đái tháo đường, chỉ hiệu quả khoảng 1/2.
  • Giải phóng gân qua da. Sau gây tê, chọc một kim vững chắc hay một dụng cụ là dao Haki vào mô quanh gân tại nơi trít hẹp. Di chuyển kim/ dụng cụ và ngón tay của bệnh nhân để giải phóng nơi trít hẹp của đường hầm làm cản trở sự trượt mềm mại của gân. Có thể tiến hành dưới siêu âm để mở vào bao gân mà không làm tổn thương đến gân hay các dây thần kinh gần đó.
  • Phẫu thuật. Thao tác qua một vết mổ nhỏ gần gốc ngón, phẫu thuật viên có thể cắt mở đoạn bao gân bị trít hẹp (tức ròng rọc A1).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top