Năm 1892, Malbran phát hiện bệnh lần đầu tiên ở Achentina sau đó Seeber (1900) mô tả tác nhân gây bệnh và coi đây là một loại đơn bào, lớp trùng bào tử (Sporozoa). Năm 1923, Ashworth kết luận tác nhân gây bệnh là một loại nấm thuộc lớp Phycomycetes và đặt tên là Rhinosporidium seeberi. Gần đây, dựa vào nghiên cứu sinh học phân tử, R.seeberi được xếp vào lớp Mesomycetozoea, ở ranh giới giữa nấm và động vật đơn bào.
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
Do bệnh hay gặp ở mũi, mắt nên R.seeberi được cho là lây nhiễm qua bụi, nước bẩn tuy nhiên vẫn chưa phân lập được R.seeberi trong tự nhiên.
VAI TRÒ Y HỌC
R.seeberi gây viêm hạt mãn tính tạo thành những khối u dạng polyp ở da và niêm mạc, bệnh gọi là rhinosporidiosis.
Bệnh ở niêm mạc: niêm mạc tổn thương, tăng sinh tạo thành những polyp mềm, dễ nát, đỏ tím, chia thùy, nhiều mạch máu, không có cuống, trông giống như quả dâu tây, có thể thấy những điểm trắng, ít đau, tiến triển chậm. Tổn thương hay gặp ở niêm mạc mũi, kết mạc, do nhiều mạch máu và mềm nên khối polyp dễ chảy máu, dần dần lan vào trong niêm mạc mũi, hốc mũi gây nên hiện tượng khó thở. Đôi khi polyp chèn ép làm tắc họng, thực quản và thanh quản. Thường không có triệu chứng toàn thân, bệnh có thể kéo dài đến 30 năm.
Hình : U sùi ở mặt do R.seeberi.
Bệnh có thể gây tổn thương màng tiếp hợp, niêm mạc sinh dục giống như sùi mào gà, tổn thương ở hậu môn và niệu đạo hiếm gặp hơn.
Bệnh ở da: chỉ xuất hiện khi đã nhiễm R.seeberi máu hoặc niêm mạc thông qua hệ thống hạch, tuy nhiên rất ít gặp. Bệnh ở tai, vòi nhĩ hay lòng bàn chân: tổn thương thường có dạng u sùi có chân, gồ cao trên mặt da.
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng: thấy mặt polyp có những điểm trắng.
Xét nghiệm:
Xét nghiệm trực tiếp: lấy dịch tiết hoặc phết áp xét nghiệm trong potassium chloride (KOH).
Giải phẫu bệnh: sinh thiết u nhuộm Gomori methenamine silver (GMS), periodic acid - Schiff (PAS) hoặc hematoxylin và eosin (H&E).
Thấy những nang bào tử (sporangia) kích thước có thể lên tới 350 mm, trong nang chứa nhiều bào tử (sporangiospore) 6 - 9 μm, có thể thấy những nang bào tử tự do khi nang bị vỡ.
Hình : Nang bào tử của R.seeberi trên tiêu bản mô bệnh học.
1.Nhuộm HE, 2. Nhuộm PAS.
Nuôi cấy: nấm rất ít mọc trên môi trường Sabouraud.
ĐIỀU TRỊ
Chủ yếu dùng phẫu thuật cắt bỏ, có thể đốt điện. Thuốc chống nấm ít tác dụng, có thể tiêm amphotericin B tại chỗ. Bệnh hay tái phát.
DỊCH TỄ HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG
Bệnh gặp khắp nơi trên thế giới, hay gặp nhất ở Ấn Độ, Sri Lanka, ngoài ra còn gặp ở Nam Mĩ, châu Phi, Đông Nam Á..., tỉ lệ gặp ở nam cao hơn nữ (khoảng 4 lần), hay gặp ở trẻ em và người trưởng thành.
Đường lây nhiễm: chưa rõ, một số tác giả cho rằng nấm xâm nhập qua niêm mạc bị tổn thương, do bệnh gặp nhiều nhất ở mũi, mắt nên nhiều khả năng nguồn nhiễm nấm là đất, nước, bệnh thường gặp ở người lặn xuống sông lấy cát, tắm nước ao hồ tù đọng... tuy nhiên vẫn chưa phân lập được nấm từ môi trường tự nhiên. Nấm không lây từ người sang người, những người cùng ở với bệnh nhân không thấy mắc bệnh, chồng bị bệnh vùng sinh dục không lây nhiễm cho vợ.
Phòng bệnh: không nên bơi lội ở những chỗ ao hồ tù hãm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh