✴️ Quy trình Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày điều trị béo phì

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày là một trong các phương pháp phẫu thuật điều trị béo phì.

 

CHỈ ĐỊNH 

Tuổi dưới 65.

BMI ≥ 32 kèm bệnh phối hợp: cao huyết áp, đái Đường, tăng cholesterol máu, đau khớp … hoặc BMI ≥ 37.

Sau khi điều trị béo phì trên 1 năm bằng các phương pháp nội khoa thất bại.

Người bệnh không có chống chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có 1 trong các tiêu chuẩn sau:

Tuổi trên 65.

BMI dưới 32.

BMI từ 32 đến 37 và không mắc các bệnh phối hợp.

Người bệnh chưa điều trị béo phì bằng các phương pháp điều trị béo phì trong 1 năm hoặc đã điều trị béo phì bằng các phương pháp khác có kết quả.

Người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật nội soi.

 

CHUẨN BỊ 

Người thực hiện quy trình kỹ thuật: 

Kíp phẫu thuật viên tiêu hóa và kíp bác sỹ gây mê hồi sức, kỹ thuật viên có kinh nghiệm.

Phương tiện: 

Dàn máy mổ nội soi với các phương tiện chuyên dụng.         

Bộ dụng cụ mổ mở đại phẫu tiêu hóa, chỉ khâu,…

Người bệnh:

Các xét nghiệm cơ bản chẩn đoán.

Nội soi dạ dày-tá tràng. 

Chuẩn bị mổ: Người bệnh nhịn ăn uống từ 21h ngày trước mổ, uống 1 gói fortran pha 1lít nước từ 14h ngày trước mổ.

Hồ sơ bệnh án: 

Hoàn thành các thủ tục hành chính theo quy định: bệnh án chi tiết, biên bản hội chẩn, biên bản khám trước khi gây mê, giấy cam đoan đồng ý phẫu thuật.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ:

Đầy đủ theo quy định Bộ Y tế.

Kiểm tra người bệnh:

Tên, tuổi, bệnh, phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê,...

Thực hiện kỹ thuật: dự kiến khoảng 180 phút.

Tư thế người bệnh: 

 Người bệnh nằm ngửa trên bàn mổ, gây mê nội khí quản, hai chân dạng 1 góc 800, được cố định vững chắc vào bàn mổ. Sau khi đặt trocar đầu tiên, bàn mổ được điều chỉnh để người bệnh ở Tư thế đầu cao 250, nghiêng sang phải 100. 

Vị trí phẫu thuật viên: 

Phẫu thuật viên đứng phía dưới, giữa 2 chân người bệnh. Người phụ thứ 1 đứng bên phải người bệnh. Người phụ thứ 2 đứng bên trái người bệnh.

Kỹ thuật mổ:

Bơm hơi ổ bụng với áp lực 14 mmHg.

Phẫu thuật bắt đầu bằng việc quan sát đánh giá toàn bộ ổ bụng, tình trạng  gan đặc biệt là gan trái, vùng tâm vị dạ dày. Phẫu tích bắt đầu tại góc tâm phình vị bằng cách giải phóng dây chằng hoành dạ dày, tạo ra khoảng tự do sau bên trái tâm vị. Bên phải phẫu tích qua mạc nối nhỏ, đi vào khoảng trước cột trụ phải cơ hoành sau tâm vị, tạo Đường hầm sau tâm vị và phần trên mặt sau phình vị dạ dày. Một kẹp phẫu tích cong không chấn thương được luồn qua Đường hầm qua bên phải tâm vị tới khoảng trống đã được tạo ra. Vòng thắt dạ dày được đưa vào ổ bụng qua lỗ trocar ở dưới sườn trái, đưa vòng qua Đường hầm phía sau từ trái sang phải và khớp lại ở bên phải tâm vị. Vòng được cố định bằng 2- 3 mũi ethilon 2.0 khâu trên thành phình vị lớn tạo nếp gấp che phủ bao quanh vòng.

Bộ phận điều chỉnh vòng được cố định vào cân cơ thẳng to ở vị trí phía dưới lỗ vào ở dưới sườn trái.

 

THEO DÕI 

Ngày đầu tiên sau mổ chụp lưu thông dạ dày với thuốc cản quang để kiểm tra vị trí vòng và các tai biến có thể như: thủng thực quản hay dạ dày mà không phát hiện được trong mổ. Người bệnh được phép uống nước ngày đầu tiên.

Ngày thứ hai người bệnh xuất viện, trong tuần đầu tiên sau mổ người bệnh ăn chất lỏng sau đó ăn đặc dần.

Sau 1 tháng người bệnh  được kiểm tra và điều chỉnh vòng lần đầu tiên. 

Trong 6 tháng đầu tiên người bệnh đến kiểm tra và điều chỉnh vòng mỗi tháng 1 lần, vòng được điều chỉnh tùy theo đánh giá của thầy thuốc về mức độ giảm cân và ảnh hưởng của vòng tới sinh hoạt của người bệnh.

Sau 6 tháng thời gian kiểm tra tiếp theo được xác định tùy diễn tiến lâm sàng.

 

XỬ TRÍ TAI BIẾN 

Trong phẫu thuật:

Chảy máu: nếu không cầm được bằng nội soi, nên chuyển mổ mở. Thủng dạ dày: khâu dạ dày nội soi hoặc mổ mở.

Sau phẫu thuật:

Trượt đai: phẫu thuật cố định đại lại, thay đai mới hay cắt dạ dày.

Nhiễm trùng hoặc xoay buồng chỉnh: thay buồng chỉnh mới.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top