✴️ Xét nghiệm viêm gan B là gì?

Nội dung

Xét nghiệm viêm gan B là gì?

Xét nghiệm viêm gan B (HBV) là hình thức xét nghiệm máu để xác định bạn có đang bị nhiễm, đã từng bị nhiễm hoặc nồng độ kháng thể viêm gan B thông qua các chất:

  • HBsAg: Đây là kháng nguyên bề mặt của HBV và cũng là dấu ấn huyết thanh xác nhận đang nhiễm (tuy âm tính vẫn chưa loại trừ đang nhiễm mà cần thêm xét nghiệm khác). HbsAg xuất hiện trong máu 1-10 tuần sau khi tiếp xúc cấp với HBV, xuất hiện trước khi có triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm khác. Ngoài ra, viêm gan B được xem là là nhiễm mãn tính khi HbsAg tồn tại trong máu trên 6 tháng.
  • Anti-HBs: Anti-HBs xuất hiện chứng tỏ bệnh nhân đã miễn nhiễm với HBV và hầu như sẽ không bị nhiễm nữa. Anti-HBs có thể được tạo ra được khi chích ngừa.
  • HBeAg: Sự xuất hiện HBeAg là dấu hiệu cho thấy virus viêm gan B đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh. Trong đó:
    • HBeAg dương tính: Là một chỉ tiêu chứng tỏ virus đang hoạt động.
    • HBeAg âm tính: Virus không hoạt động hoặc virus đột biến.
  • Anti-HBe: Đây là kháng thể kháng HBeAg. Nếu:
    • Anti-HBe dương tính: Bạn có miễn dịch một phần.
    • Anti-HBe âm tính: Cơ thể chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.
  • Anti-HBc (Anti-HBc, Anti-HBc IgG, Anti-HBc): Là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B. Nó xuất hiện rất sớm và tồn tại suốt đời. Vì vậy xét nghiệm này là yếu tố đánh giá bệnh nhân đã bị phơi nhiễm virus viêm gan B.
  • Anti-HBc IgM: Là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B typ IgM. Kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính.

Những thắc mắc thường gặp về viêm gan B

Nếu đã bị nhiễm vi rút viêm gan B trong quá khứ thì có thể bị nhiễm lại không?

Đa số nếu nhiễm viêm gan siêu vi B lúc nhỏ sẽ chuyển thành nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính. Còn với đa số nhiễm viêm gan siêu vi B thời kỳ trưởng thành có thể cơ thể sẽ đào thải virus và hình thành kháng thể tự thân. Nhưng vẫn có trường hợp (khoảng 20-25%) chuyển thành nhiễm viêm gan siêu vi B mãn. 

Khi nào viêm gan B trở thành mãn tính?

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, viêm gan B có nguy cơ trở thành mãn tính nếu người bệnh có kết quả HBsAg ít nhất 6 tháng (có hoặc không có đồng thời HBeAg). Đây là dấu hiệu chính của nguy cơ phát triển bệnh gan mãn tính và ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) sau này trong cuộc sống.

Người viêm gan B có thể sống được bao lâu?

Hầu hết những người bị bệnh viêm gan B vẫn có thể vẫn sống lâu và khỏe mạnh nếu kiểm soát tốt các biến chứng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc lộ trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa để đạt được kết quả tốt nhất.

 

 

Lưu ý:

- Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể trong ít nhất 7 ngày.

- Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được vắc-xin bảo vệ.

- Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày.

- HBV có thể được phát hiện trong 30-60 ngày sau khi nhiễm và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan siêu vi B mãn.

 

Viêm gan B có thể lây truyền từ người này sang người khác bằng nhiều đường như: máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế tốt nhất bạn nên tiêm viêm gan B nếu nhận được khuyến nghị của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top