✴️ Chăm sóc người bệnh áp-xe não

BỆNH HỌC

Áp-xe não là sự tích tụ mủ trong mô não có thể do hậu quả từ sự nhiễm trùng khu trú hay từ hệ thống của cơ thể. Khởi phát thường từ sự nhiễm trùng kéo dài của viêm tai giữa, xương chũm. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào trực tiếp qua hàng rào mô não xuyên qua màng cứng, xuyên qua lớp dưới màng cứng, màng nhện và đi dọc theo kênh tĩnh mạch như viêm tĩnh mạch huyết khối. Ngoài ra, cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác như nhiễm trùng huyết do thuyên tắc từ nhiễm trùng hô hấp, viêm nội tâm mạc, gãy xương sọ, viêm màng não, hay do phẫu thuật thần kinh không đảm bảo vô khuẩn, đặt Shunt. Áp-xe não thường do vi trùng Streptococcus hay Staphylococcus.

TRIỆU CHỨNG

Nhức đầu, sốt, dấu hiệu thần kinh khu trú, tri giác giảm, động kinh.

Triệu chứng tập trung xuất hiện và phản ảnh vùng áp-xe não. Ví dụ: khiếm khuyết thị trường hay động kinh thì thường là áp-xe thuỳ thái dương.

CHẨN ĐOÁN

Chọc dò tủy sống thì chống chỉ định. CT– scan, MRI, đo áp lực não, ECG.

ĐIỀU TRỊ

Phẫu thuật dẫn lưu ổ áp-xe.

Điều trị nội: kháng sinh + corticoid, điều trị chống tăng áp lực nội sọ. Nâng cao tổng trạng.

Kháng sinh liệu pháp là điều trị cho áp-xe não nguyên phát. Sau đó là điều trị triệu chứng. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì dẫn lưu ổ áp-xe.

 

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH ÁP-XE NÃO

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Nhức đầu dữ dội và kéo dài, gia tăng khi người bệnh hoạt động.

Người bệnh rên, khóc, bứt rứt, mặt nhăn nhó, đau đớn. Tri giác lơ mơ, kích thích, hôn mê.

Dấu hiệu nhiễm trùng: sốt, mạch tăng, huyết áp tăng, tím tái, lạnh run, vã mồ hôi, da nổi gai, mệt. Nước tiểu ít, tiêu chảy, khô miệng, ăn không ngon.

Dấu hiệu kích thích màng não, cơ căng cứng, cứng cổ, gia tăng co cứng những cơ nhỏ. Hội chứng tăng áp lực nội sọ, đồng tử giãn.

Động kinh.

CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG

Đường thở không thông

Lượng giá tình trạng đờm nhớt người bệnh nhiều hay ít. Cung cấp đủ oxy cho người bệnh vì khi thiếu oxy thì người bệnh có nguy cơ phù não dẫn đến tổn thương mô não. Duy trì đường thở thông, tránh gập cổ nếu người bệnh hôn mê. Điều dưỡng cần chăm sóc nội khí quản và tuân thủ vô trùng cho người bệnh. Do  hôn mê người bệnh tiết nhiều đờm nhớt và đây là nguyên nhân gây thiếu oxy do nghẹt đờm. Điều dưỡng cần hút đờm cho người bệnh nhưng lưu ý nên hút đờm khi cần thiết và luôn duy trì đủ oxy trước, trong và sau khi hút đờm.

Theo dõi dấu chứng sinh tồn và dấu hiệu thần kinh khu trú 1 – 2 giờ/1 lần. Theo dõi sát tri giác và có sự so sánh với lần trước.

Luôn giữ thuốc cấp cứu và dụng cụ cấp cứu bên cạnh giường bệnh.

Không cho người bệnh ăn qua đường miệng để tránh nguy cơ thức ăn tràn vào đường thở do nôn ói hay do mất phản xạ nuốt.

Kiểu thở không hiệu quả do hôn mê người bệnh không tự chủ được

Duy trì đường thở, đặt nội khí quản, thở máy theo y lệnh.

Đánh giá tình trạng oxy trong máu, khí máu động mạch, SaO2... Kiểm tra dấu chứng sinh tồn 1 – 2 giờ/lần.

Theo dõi dấu hiệu co kéo lồng ngực, dấu hiệu khó thở, nghe phổi.

Thay đổi tưới máu tim phổi mô não

Báo cáo ECG 2 – 4 giờ/1 lần, theo dõi liên tục trên máy có cài hệ thống báo động. Theo dõi nước xuất nhập, nước tiểu, CVP để đánh giá hoạt động tim mạch cũng như chức năng của thận.

Theo dõi áp lực não, theo dõi dấu chứng sinh tồn thường xuyên, lượng giá khí máu động mạch, sinh hoá máu, điện giải theo y lệnh phải báo cáo khi các chỉ số bất thường.

Duy trì đầu cao 20 – 300, tư thế thẳng, ngửa. Thực hiện y lệnh truyền dịch chính xác và đúng giúp duy trì tình trạng đủ nước cho cơ thể.

Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao sau mổ

Theo dõi dấu chứng nhiễm trùng sau mổ và so sánh với trước mổ. Theo dõi nhiệt độ, các dấu hiệu nhiễm trùng khác. Áp dụng kỹ thuật vô trùng khi chăm sóc người bệnh. Thực hiện kháng sinh theo y lệnh, cấy mủ nếu có y lệnh. Cần cung cấp đủ nước, chăm sóc người bệnh sốt.

Suy giảm tình trạng da

Xoay trở người bệnh 2 giờ/1 lần, vệ sinh da sạch sẽ, kích thích tuần hoàn da 2 giờ/1 lần như xoa bóp vùng mông, vùng đầu, vùng xương nhô ra. Tập vận động các khớp, luôn duy trì cho người bệnh ở tư thế cơ năng.

Vết mổ: thay băng khi thấm dịch, cần lưu ý nên băng cách xa dẫn lưu vì dẫn lưu có mủ.

Chăm sóc dẫn lưu: theo dõi màu sắc, tính chất, số lượng. Báo cáo và ghi vào hồ sơ cụ thể. Chăm sóc dẫn lưu khô sạch và rút theo y lệnh.

Thay đổi cảm giác nhận thức do tri giác giảm

Lượng giá và báo cáo tình trạng định hướng và hiểu biết của người bệnh, mức độ tiếp xúc với điều dưỡng. Nếu người bệnh tri giác giảm hay tâm thần không ổn định điều dưỡng cần duy trì môi trường an toàn cho người bệnh. Tránh tiếng ồn, ánh sáng chói có nguy cơ làm gia tăng kích thích cho người bệnh.

Để gia đình cùng tham gia với người bệnh tái định hướng thời gian, không gian, con người, nơi chốn, kích thích cảm giác nếm, ngửi, xúc giác, vị trí. Sử dụng ánh sáng ngày và đêm thích hợp, giấc ngủ sảng khoái.

Nguy cơ chấn thương do động kinh

Trước co giật: lượng giá và phúc trình tình trạng tri giác, chuẩn bị tube Mayor, dụng cụ hút đờm, bình oxy cạnh giường để ngăn ngừa tắc đường thở do co giật, kéo chấn song lên cao tránh người bệnh ngã.

Trong co giật: đặt tube Mayor tránh cắn lưỡi, thở oxy và duy trì đường thở thông như cần hút đờm nếu người bệnh có sùi bọt mép hay tăng tiết đờm nhớt nhiều. Nâng đỡ và bảo vệ đầu ngăn ngừa tổn thương cho người bệnh. Người bệnh dễ ngã xuống sàn nhà nếu người bệnh ngồi trên ghế, nên khi có dấu hiệu động kinh thì cho người bệnh nằm xuống đất ngay. Đặt gối dọc theo thành giường nếu người bệnh nằm trên giường. Lấy vật dụng chung quanh người bệnh ra, nới rộng quần áo. Nên có mặt bên cạnh người bệnh và duy trì sự im lặng. Ghi chú thời gian, khoảng cách giữa các cơn co giật, thực hiện thuốc chống động kinh và theo dõi tác dụng phụ của thuốc.

Sau co giật: tiếp tục duy trì thông khí, hút đờm, cho thở oxy, kiểm tra dấu chứng sinh tồn và dấu hiệu thần kinh 15 phút/lần, giúp người bệnh nhận biết xung quanh, thời gian, giảm lo lắng, trấn an. Giúp người bệnh nghỉ ngơi với tư thế thoải mái, nghiêng đầu 1 bên. Vệ sinh cá nhân: lau, chùi sạch miệng, các chất tiết, thay quần áo khô sạch, nếu người bệnh tiểu không tự chủ nên lau khô sạch cho người bệnh được thoải mái.

 

LƯỢNG GIÁ

Người bệnh hết sốt, hết đau đầu, dẫn lưu rút an toàn.

Người bệnh không động kinh, duy trì thuốc chống động kinh an toàn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Frances Donovan Monahan Marianne Neighbors, Musculoskeletal Knowledge base for Patient with Dysfunction, chapter 6, Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice 2nd Edition, WB Saunders company, 1998, 837 – 945.

Mary E. Kerr, Connie A. Walleck. Intracanial Problems, chapter 54, section 8, Medical Surgical Nursing, four Edition, Lewis Collier Heitkemper/ MOSBY, 1992, 1683.

Neurolologic system, chapter 3, Mosby’s Manual of Clinlcal Nursing, second Edition, the C,V, Mosby Company, 336 – 344.

Dương Minh Mẫn, Chấn thương sọ não, Bệnh học và điều trị học ngoại khoa: Lồng ngực – Tim mạch – Thần kinh. Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, 2002, 251 – 268.

Dương Minh Mẫn, Khám người bệnh chấn thương sọ não. Bài giảng bệnh học và điều trị ngoại khoa: Lồng ngực – Tim mạch – Niệu – Ngoại nhi – Ngoại thần kinh. Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Lưu hành nội bộ, 1998, 413.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top