Cà phê xanh khác gì cà phê đen?
Cà phê xanh thực chất là hạt cà phê tươi, chưa được rang, do đó không có màu nâu và đen như cà phê thông thường. Cà phê xanh có thể sử dụng nguyên hạt hoặc nghiền nát thành dạng bột để pha cà phê, làm bánh. Một số sản phẩm chiết xuất từ cà phê xanh được bào chế thành thực phẩm chức năng dạng viên.
Một cốc cà phê xanh có màu sắc và mùi vị giống trà xanh hơn là cà phê. Cà phê xanh giữ lại được nhiều hợp chất thực vật polyphenol hơn cà phê rang. Hàm lượng caffeine trong cà phê xanh có thể lên tới 17%.
Thực hư hiệu quả giảm cân của cà phê xanh
Nhiều người cho rằng, lợi ích “giảm cân, kháng mỡ” của cà phê xanh được cho là nhờ hàm lượng acid chlorogenic, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng khoa học về những tác dụng này của cà phê xanh. Những nghiên cứu về cà phê xanh hầu như chưa được thử nghiệm trên người hoặc thực hiện ở quy mô rất nhỏ.
Một nghiên cứu nhỏ trên 40 người mắc hội chứng chuyển hóa yêu cầu người tham gia uống 400mg chiết xuất cà phê xanh 2 lần mỗi ngày. Sau 4 tuần, kết quả chỉ ra rằng, khi kết hợp với chế độ ăn cân bằng, chiết xuất cà phê xanh có thể đem lại hiệu quả giảm cân.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, hiện tại chưa thể kết luận về tác dụng giảm cân, giảm béo hay ổn định huyết áp của cà phê xanh.
Dùng cà phê xanh thế nào cho an toàn?
Cũng như cà phê thông thường, cà phê xanh là thức uống chứa nhiều caffeine. Do đó, khi sử dụng ở lượng trên 400mg, cà phê xanh có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, lo lắng bồn chồn, mất ngủ, nôn mửa, tiêu chảy…
Người mắc bệnh tim mạch được khuyến cáo thận trọng khi sử dụng thức uống chứa caffeine – dù là cà phê xanh hay cà phê đen. Caffeine có thể gây ra hiện tượng tim đập nhanh, chứng rối loạn nhịp tim ở đối tượng này.
Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa cà phê xanh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để đề phòng tác động tới thuốc điều trị (ví dụ như thuốc chống đông máu). Phụ nữ có thai và đang cho con bú được khuyến cáo không nên sử dụng cà phê xanh.
Sử dụng acid chlorogenic liều lượng lớn trong thời gian ngắn có thể làm tăng nồng độ homocysteine trong máu. Tình trạng này có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như gây tổn thương động mạch, hình thành cục máu đông trong mạch máu.
Caffeine trong cà phê xanh có thể làm tăng tốc độ bài tiết calci qua thận, dẫn đến nguy cơ loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh. Trong trường hợp này, bạn không nên uống quá 2-3 cốc cà phê mỗi ngày, đồng thời sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung calci để xương chắc khỏe hơn.
Cà phê xanh không phải là “thuốc giảm cân”, mà chỉ là thức uống ít calorie thích hợp cho chế độ giảm cân hàng ngày. Để đẩy nhanh quá trình cải thiện vóc dáng, bạn cần kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các hình thức tập luyện thể thao hàng ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh