Cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ ảnh hưởng đến hormone giúp ngủ ngon ở trẻ

Nội dung

Một nghiên cứu mới đã cung cấp những lý do để thuyết phục các bậc cha mẹ không nên cho bọn trẻ sử dụng điện thoại smart phonemáy tính bảng hay laptop trước khi đi ngủ do ánh sáng từ những thiết bị này có thể làm giảm mức nồng độ melatonin - một hormone kích thích ngủ.

Các chuyên gia đã tìm ra rằng tác dụng gây hại này ảnh hưởng rõ rệt nhất ở trẻ em độ tuổi dậy thì với mức nồng độ melatonin hạ thấp còn khoảng 37% trong một số trường hợp.

Với một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 96% trẻ em có sử dụng ít nhất một thiết bị công nghệ cao trước khi đi ngủ, các nhà khoa học đã phải lên tiếng cảnh báo cho các ông bố bà mẹ: "Thông điệp của chúng tôi là chúng ta cần phải bảo vệ trẻ khỏi những nguồn ánh sáng vào ban đêm, điều đó có nghĩa là cha mẹ cần phải mang tất cả các thiết bị ra khỏi phòng ngủ bởi chúng có thể gây hại đến giấc ngủ của trẻ," theo Mary Carskadon, giáo sư tâm lý học và hành vi tại trường y Alpert thuộc đại học Brown ở Providence, R.I (Mỹ).

Tuổi dậy thì và thay đổi trong thói quen ngủ thường đi kèm với nhau bởi trẻ đang lớn thường muốn đi ngủ muộn hơn. Ở một mức độ nào đó, sự thay đổi có thể bị thúc đẩy bởi một số yếu tố xã hội bao gồm việc nới lỏng kiểm soát của cha mẹ, các mối quan hệ bạn bè và truyền thông. Nhưng các nhà khoa học tin rằng các yếu tố sinh học cũng đóng vai trò quan trọng do đồng hồ sinh học của giấc ngủ của trẻ cũng bắt đầu thay đổi.

Điểm mấu chốt của sự thay đổi đó là do sự nhạy cảm với ánh sáng, theo Carskadon, giám đốc của phòng thí nghiệm nghiên cứu về giấc ngủ và nhịp sinh học tại bệnh viện E.P Bradley. Nhóm của bà giả thuyết rằng giai đoạn dậy thì làm gia tăng nhạy cảm của trẻ với ánh sáng, gây nên hiện tượng giảm mức nồng độ melatonin và trì hoãn giấc ngủ.

Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên 38 trẻ em độ tuổi từ 9 đến 15 (giai đoạn tiền dậy thì) cùng với 29 trẻ em trai và trẻ em gái trong độ tuổi từ 11 đến 16 (giai đoạn muộn hoặc sau dậy thì).

Tất cả được tiếp xúc với ánh sáng trong khoảng thời gian 1 giờ với mức cường độ sáng khác nhau trong 4 đêm. Cường độ sáng dao động trong khoảng từ "ánh sáng tối mờ " đến mức "ánh sáng như trong các siêu thị."

Thời điểm tiến hành thí nghiệm diễn ra vào lúc 23 giờ đêm hoặc 3 giờ sáng.

Kết quả cho thấy: trong khi mức nồng độ melatonin không thay đổi trong suốt quá trình kiểm tra vào thời điểm gần sáng thì kết quả kiểm tra vào lúc đêm muộn (23 giờ) cho thấy sự suy giảm trầm trọng mức melatonin đối với trẻ em trai và gái ở giai đoạn tiền dậy thì.

Trong nhóm trẻ đó, việc tiếp xúc với ánh sáng yếu làm mức nồng độ melatonin giảm khoảng 9%, ánh sáng phòng bình thường làm giảm khoảng 26% và ánh sáng cường độ mạnh làm nồng độ hormone giảm tới 37%. Nói chung những trẻ em lớn hơn thì sự suy giảm mức nồng độ melatonin là thấp hơn.

Carskadon nói rằng: "Cái mà chúng tôi đã tìm ra là trẻ em tiếp xúc nhiều với ánh sáng trước khi đi ngủ sẽ suy giảm sản xuất hormone melatonin. Và điều này khiến giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng theo chiều hướng đi ngủ muộn hơn."

Tiến sỹ Jim Pagel, giám đốc của trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ ở Rocky Mountain ở Pueblo, Col. đồng ý với khám phá mới này.Ông nói: " Khi bắt đầu giai đoạn dậy thì, nhịp sinh học thường bất ổn định và trẻ thường khá nhạy cảm với ánh sáng. Do vậy vấn đề mà họ đã tìm ra là có cơ sở."

Theo Kelly Baron, giám đốc của Chương trình nghiên cứu về hành vi giấc ngủ tại trường y Feinberg thuộc đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ), "những nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng việc để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ có thể gây hại đến giấc ngủ của cả cha mẹ và con cái, có nghĩa là chúng ta nên suy nghĩ về cách hạn chế tiếp xúc với đồ điện tử và ánh sáng nói chung trước khi đi ngủ," Baron cho hay.

Nghiên cứu này đã được đăng tải trực tuyến mới đây trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top