✴️ Cách nấu cháo lóc thơm ngon, bổ dưỡng

Thành phần dinh dưỡng của cá lóc

Cá lóc hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác là cá quả, cá chuối, cá sộp, cá tràu… một loài cá sống ở ao hồ nước ngọt. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, thành phần cá lóc có chứa nhiều chất dinh dưỡng như: albumin, chất đạm, vitamin A, vitamin C, kẽm và sắt.

Trong đó, albumin là một protein giúp đảm bảo lưu lượng máu, vận chuyển các hormone, vitamin và enzyme đi khắp cơ thể. Cho nên việc sử dụng cá lóc để chế biến món ăn sẽ cung cấp albumin cho cơ thể và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tuyệt vời như:

  • Giảm sưng và phù nề
  • Cân bằng chất lỏng bên trong cơ thể
  • Cân bằng dinh dưỡng, ngăn ngừa suy dinh dưỡng
  • Giúp khắc phục tế bào và mô bị tổn thương.
  • Duy trì sự hình thành của các tế bào bạch cầu

Bí quyết sơ chế cá lóc để không bị tanh

Một trong những khó khăn khi chế biến cá là quá trình sơ chế cá. Nếu như cá không được làm sạch và sơ chế đúng cách thì sẽ để lại mùi tanh và làm món ăn trở nên mất ngon. Hello Bacsi tiết lộ, cách nấu cháo cá lóc thơm ngon, ai căn cũng mê, bí quyết nằm ở khâu sơ chế cá đúng cách để loại bỏ mùi tanh đặc trưng. Dưới đây là cách sơ chế cá đúng chuẩn “chuyên gia ẩm thực”:

  • Làm sạch cá bằng cách đánh vảy hoặc lạng bỏ da, loại bỏ nội tạng và bóc tách sạch lớp màng trắng đục trong bụng cá và gân máu dọc sống lưng.
  • Dùng muối hột chà xát nhẹ nhàng khắp mình cá.
  • Dùng 1 nửa trái chanh hoặc vài muỗng giấm để chà trực tiếp lên thân cá giúp loại bỏ nhớt.
  • Rửa sạch bằng nước và để thật ráo trước khi tẩm gia vị hoặc chế biến món ăn.

Ngoài biện pháp trên, bạn cũng có thể dùng rượu trắng để rửa cá, giúp khử mùi tanh và tăng hương vị của cá.

 

1. Cách nấu cháo cá lóc rau đắng

Đây là một trong những món ăn khá nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ. Vào những ngày mưa dầm, người dân nơi đây sẽ nấu một nồi cháo nóng ăn kèm với vị đăng đắng của rau, vừa ngon vừa ấm bụng.

Nguyên liệu

  • 1 con cá lóc khoảng 700 – 800g
  • 300g rau đắng, nếu gia đình có người không ăn được rau đắng có thể thay thế bằng giá
  • 200g nấm rơm
  • 150g gạo tẻ
  • 1 củ cà rốt
  • Gừng, tỏi, hành tím, hành lá, ớt
  • Gia vị.

Cách chế biến

  • Rang gạo đến khi vàng và có mùi thơm. Sau đó vo gạo và cho nước vào nồi nấu cháo.
  • Ướp cá đã được làm sạch với hạt nên, tiêu trong vòng 15 phút.
  • Nấm rơm rửa sạch và thái mỏng.
  • Gừng và cà rốt bào sợi, cắt nhuyễn.
  • Hành tím cắt mỏng, còn hành thì cắt nhuyễn. Lưu ý, nhớ tách phần đầu hành để riêng.
  • Phi thơm hành tím rồi vớt ra chén để nguội. Hành này sẽ được dùng để tăng hương vị cho món cháo khi ăn.
  • Sử dùng dầu phi hành để chiên sơ cá và xào sơ nấm rơm
  • Cho cá vào nấu cùng cháo đến khi gần chín thì cho cà rốt và nấm rơm vào khuấy đều.
  • Đun sôi vài dạo đến khi các thành phần cháo đều chín thì nêm nếm cho vừa khẩu vị của gia đình.
  • Thêm hành, gừng. Múc cháo ra chén, cho thêm ớt vào và thưởng thức.

Một trong những cách ăn thú vị của món cháo này là bạn có thể ăn như ăn lẩu, kèm với rau đắng để nhúng. Bắt một nồi cháo ở giữa, mọi người trong gia đình mỗi người một chén cháo nóng và cùng nhau trò chuyện vui vẻ.

2. Cháo ám cá lóc

Nguyên liệu

  • 1 con cá lóc khoảng 700 – 800g
  • 300g rau tần ô
  • 50g rau thì là
  • 150g gạo tẻ
  • Gừng, tỏi, hành tím, hành lá
  • Gia vị.

Cách chế biến

  • Cho cá vào nồi luộc chung với vài lát gừng, hành tím, một chút muối và tiêu sọ xay. Lưu ý nhớ hớt bọt thường xuyên.
  • Sau khi cá chín thì vớt ra dĩa và cho gạo đã vo sạch vào nồi nước luộc cá để nấu thành cháo. Một mẹo nhỏ là nếu cháo quá đặc thì bạn có thể thêm nước sôi vào.
  • Sau khi cháo chín thì nêm gia vị cho vừa ăn
  • Tiếp tục cho cá, thì là, hành lá vào nồi và để lửa nhỏ.
  • Đợi đến khi nồi cháo sôi vài dạo thì tắt bếp và múc ra chén thưởng thức cùng với rau tần ô.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top