✴️ Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân không thể ăn qua đường miệng

Nội dung

Dinh dưỡng qua đường ruột

Dinh dưỡng qua đường ruột còn được gọi là ăn qua ống thông/xông dạ dày

Dinh dưỡng qua đường ruột là cách đưa dinh dưỡng ở dạng lỏng (thường theo công thức) vào người bệnh nhân thông qua một ống xông/thông được đặt vào dạ dày hoặc ruột non. Các loại ống thông sau đây có thể được sử dụng:

  • Ống thông mũi dạ dày (nasogastric tube) được luồn qua mũi, xuống họng vào dạ dày hoặc ruột non. Loại ống này thường được sử dụng khi dinh dưỡng qua đường ruột là cần thiết chỉ trong một vài tuần.
  • Ống thông dạ dày (gastrostomy tube) hoặc ống thông tá tràng (jejunostomy tube) được đưa vào dạ dày hoặc ruột non (tương ứng) thông qua một lỗ được tạo ra trên bụng (thành bụng). Loại ống này thường được sử dụng để cung cấp thức ăn qua đường ruột dài hạn hoặc cho những bệnh nhân không thể dùng ống xông qua trong mũi và họng.

ống nuôi ăn dạ dày

Loại công thức dinh dưỡng được sử dụng là dựa trên nhu cầu cụ thể của bệnh nhân. Có nhiều loại công thức cho những bệnh nhân có tình trạng bệnh đặc biệt như bệnh tiểu đường, bệnh cao mỡ máu,…Dinh dưỡng có thể được đưa vào cơ thể liên tục hoặc chia nhỏ thành 3 – 6 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 chén.

Dinh dưỡng qua đường ruột đôi khi được sử dụng khi bệnh nhân có thể ăn một lượng nhỏ thức ăn qua đường miệng nhưng không đủ để duy trì sức khỏe. Chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể qua ống thông có thể tăng thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe.

Dinh dưỡng qua đường ruột có thể được tiếp tục sau khi xuất viện

Nếu dinh dưỡng qua đường ruột là là một phần của chương trình chăm sóc bệnh nhân sau khi xuất viện, bệnh nhân và người nhà hoặc người chăm sóc sẽ được giải thích và hướng dẫn để thực hiện việc này ở nhà.

Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch

Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch đưa chất dinh dưỡng trực tiếp vào dòng máu

Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch được sử dụng khi bệnh nhân không thể hấp thụ thức ăn bằng miệng hoặc bằng ống xông/thông nói trên. Phương pháp này không sử dụng dạ dày hoặc ruột để tiêu hóa thức ăn. Các chất dinh dưỡng được truyền trực tiếp vào máu bệnh nhân, thông qua đường truyền tĩnh mạch (ống thông mỏng luồn vào tĩnh mạch). Những chất dinh dưỡng này bao gồm chất đạm (protein), chất béo, vitamin và các khoáng chất.

Dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch thường chỉ được sử dụng ở những bệnh nhân cần hỗ trợ dinh dưỡng trong khoảng hơn năm ngày.

Ống thông có thể được đặt vào mạch máu trên ngực hoặc ở cánh tay

Một ống thông tĩnh mạch trung tâm (central venous catheter) thường được đặt dưới da và đi vào một tĩnh mạch lớn ở ngực, cổ hoặc vùng bẹn. Loại ống thông này có thể được sử dụng để đưa dinh dưỡng vào cơ thể dài hạn.

Một ống thông tĩnh mạch ngoại vi (peripheral venous catheter) thường được đặt vào tĩnh mạch ở cánh tay. Loại ống thông này thường được sử dụng để đưa dinh dưỡng vào cơ thể ngắn hạn.

Bệnh nhân cần được kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện nhiễm trùng hoặc chảy máu tại nơi ống thông đi vào cơ thể.

Việc kết thúc hỗ trợ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cần được giám sát y tế

Việc kết thúc hỗ trợ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cần phải được thực hiện từ từ và được giám sát bởi nhóm chăm sóc sức khỏe. Liều lượng dinh dưỡng tiêm qua đường tĩnh mạch cần được giảm từng tí một theo thời gian cho đến khi dừng hẳn hoặc tới khi bệnh nhân chuyển qua sử dụng dinh dưỡng qua đường ruột hoặc đường miệng.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top