Chế độ ăn nhiều rau xanh có giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh phổi?

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thorax năm 2017 đã tìm ra mối liên hệ giữa việc ăn nhiều trái cây và rau xanh đối với sức khỏe của phổi. Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở những người đang và đã từng hút thuốc.

Yếu tố nguy cơ chính của COPD là hút thuốc lá và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán rằng đến năm 2030, nó sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên toàn cầu.

COPD và chế độ ăn uống

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã theo dõi sức khỏe đường hô hấp của hơn 44.000 đàn ông Thụy Điển, trong trung bình 13,2 năm. Theo số liệu thống kê ban đầu, 63% số người tham gia đã hút thuốc tại một thời điểm trong đời, 24% là những người hiện đang hút thuốc và 38,5% chưa bao giờ hút thuốc.

Một phần ăn là bao nhiêu?

Đối với người trưởng thành: 1 phần rau củ quả bằng 80gr.

Đối với trẻ em: 1 phần rau củ quả là lượng thức ăn ngang với kích thước lòng bàn tay.

Qua quá trình đánh giá, đối với nhóm ăn ít hơn 2 phần trái cây và rau xanh mỗi ngày, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ mắc COPD là 1.166/100.000 ở những người hút thuốc hiện tại và 506/100.000 ở những người từng hút thuốc trước đây. Tuy nhiên, đối với những người ăn 5 khẩu phần mỗi ngày, con số tương đương chỉ lần lượt là 546 và 255.

Điều này có nghĩa là những người ăn 5 phần trái cây và rau xanh mỗi ngày giảm được 40% nguy cơ mắc COPD ở những người hút thuốc hiện tại và 34% ở những người hút thuốc trước đây so với những người ăn từ 2 phần trở xuống.

TS. Raphaelle Varraso - Viện Nghiên cứu Y tế và Y học Pháp, tác giả chính của nghiên cứu, kết luận: Những phát hiện này làm củng cố thêm tác động mạnh mẽ của việc hút thuốc lá đối với sự phát triển của COPD, đồng thời chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa COPD.

Theo đó, mỗi khẩu phần trái cây và rau xanh có liên quan đến việc giảm 4% nguy cơ mắc COPD ở những người hút thuốc trước đây và giảm 8% nguy cơ ở những người hút thuốc hiện tại. Tuy nhiên, ngừng hút thuốc và cai thuốc lá vẫn là thông điệp sức khỏe cộng đồng chính để ngăn ngừa sự phát triển của COPD.

 

Loại trái cây và rau nào làm giảm nguy cơ mắc COPD?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các loại rau lá xanh, ớt, táo và lê có tác động mạnh nhất đến việc giảm nguy cơ mắc COPD. Còn quả mọng, trái cây họ cam quýt, chuối, các loại rau họ cải, cà chua, tỏi, hành tây và đậu xanh có tác dụng nhưng không đáng kể.

Qua đây, các nhà nghiên cứu nhận định rằng hút thuốc làm tăng stress oxy hóa và viêm, cả 2 yếu tố đều có khả năng liên quan đến COPD. Theo đó, các chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau xanh có thể làm giảm tác động tiêu cực của chúng.

Trong bài xã luận của mình, TS. Raphaelle Varraso viết: Tôi cho rằng các bác sỹ lâm sàng nên xem xét những lợi ích tiềm năng của một chế độ ăn uống lành mạnh trong việc thúc đẩy sức khỏe của phổi. Đồng thời ủng hộ việc tối ưu hóa lượng trái cây và rau xanh, đặc biệt là ở những người không thể cai thuốc.

Do đó, mặc dù sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể đưa ra kết chắc chắn, nhưng bỏ thuốc lá, kết hợp ăn nhiều rau quả vẫn là điều cần thiết để tăng cường sức khỏe tổng thể. Trước đây, nó cũng đã được chứng minh là giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí là ung thư.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top