Chế độ ăn theo nguyên tắc nóng lạnh trong Đông Y

Quan điểm thực phẩm nóng – lạnh (hàn – nhiệt) theo y học cổ truyền Trung Quốc

Khái niệm thực phẩm nóng – lạnh, hay cơ địa hàn – nhiệt xuất phát từ Y học cổ truyền Trung Quốc được ứng dụng từ nhiều năm ở một số nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Trong y học cổ truyền, tính vị của thực phẩm bao gồm tứ vị là hàn – lương – ôn – nhiệt, tương ứng là lạnh – mát – ấm – nóng, trong đó khái niệm thực phẩm hàn – nhiệt là khái nhiệm phổ biến và được biết đến nhiều hơn cả. Cân bằng giữa thực phẩm hàn – nhiệt sẽ giúp cho cơ thể hài hòa, sức khỏe dồi dào, sống lâu trường thọ.

Những thực phẩm có tính nhiệt được cho là các loại thực phẩm ăn vào tạo cảm giác nóng và khô  như các loại thịt đỏ, các loại gia vị (gừng, tỏi, ớt); các loại trái cây có vị ngọt (đào, nhãn vải). Trong khi đó, những thực phẩm có tính hàn lại là các thực phẩm tạo cảm giác mát và cung cấp độ ẩm cho cơ thể, ví dụ như các loại rau xanh, hải sản, đồ tanh (ếch, ốc).

Ngoài ra, YHCT còn phân loại thực phẩm hàn – nhiệt dựa trên nhiều đặc điểm khác như:

  •  Cách thức phát triển: Thực phẩm mọc theo chiều đi xuống thì là thực phẩm có tính hàn, mọc/phát triển theo hướng đi lên thì tính nhiệt.

  •  Trạng thái của thực phẩm khi vào cơ thể: Thực phẩm có tính hàn sẽ có xu hướng chứa nhiều nước, mềm, còn thực phẩm có tính nhiệt thì có xu hướng nóng, khô, cứng.

     

Sử dụng thực phẩm phù hợp với cơ địa

Sau khi biết được tính hàn – nhiệt, nóng – lạnh của thực phẩm, thì một điều quan trọng bạn cần biết nữa, theo y học cổ truyền, đó là biết được cơ địa của mình thuộc thể gì, để từ đó biết cách sử dụng thực phẩm phù hợp với cơ địa của mỗi người. Y học cổ truyền cũng phân nhóm cơ thể con người thành nhiều nhóm thể chất khác nhau, nhưng phổ biến là thể ôn – nhiệt và thể hàn – lương, hay còn gọi là người có cơ địa “nóng” và cơ địa “hàn”.

Người có cơ địa “nóng” là những người thường bị phồng rộp lưỡi, bốc hỏa và dễ bị khát nước, trong khi người có cơ địa “hàn” thường có lưỡi nhợt nhạt, lạnh các chi và thường bị lạnh, dễ bị  tiêu chảy. Và cũng theo y học cổ truyền thì những người có cơ địa “nóng” nên ăn thực phẩm có tính hàn, người có cơ địa “hàn” nên ăn nhiều thực phẩm có tính nóng. Thực phẩm có tính ôn thì sẽ phù hợp với tất cả mọi người.

Thực phẩm hàn dành cho người thể nhiệt gồm: Ốc các loại (ngêu, sò, hến…); Thịt vịt, thịt ngan, ngỗng, thịt trâu; Ếch, cóc; Các loại trứng; Các loại đỗ (đỗ đen, đậu nành, đậu đỏ, nước đậu, đậu tương, giá…); Chanh, cà tím, mướp đắng (khổ qua); Muối; Củ nghệ vàng; Măng tre; Rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau đay, rau nhút, rau sam, lá mơ; Dưa gang, mướp, bầu, bí đỏ…

Thực phẩm nhiệt dành cho người thể hàn gồm: Thịt dê, thịt chó, thịt bò, thịt gà, trứng gà, thịt chim sẻ; Cá mè, Cá diếc, Gạo nếp, Bột mì, Gạo tẻ lâu năm, Rượu gạo, Giấm thanh, Cà rốt, Mướp, Rau cải có vị cay, Rau diếp cá, rau kinh giới, Tỏi tươi, Rau răm, Hẹ, Hạt tiêu, Gừng các loại (sống, khô, nướng)…

Thực phẩm có tính ôn bao gồm: Ngũ cốc, khoai lang, táo ta, Củ cải đường, thịt lợn, thịt thỏ, cá chép, cá quả, khoai lang, sắn dây, vừng, dâu, khế, sữa người, hoa thiên lý…..

 

Thực phẩm nóng hay lạnh tốt hơn cho cơ thể?

Không có loại thực phẩm nào tốt hơn mà cần phải biết cơ thể mình thuộc hàn hay nhiệt để bổ sung đúng loại thực phẩm phù hợp với cơ thể, mang lại sự cân bằng, điều hòa là tốt nhất.

Cân bằng hàn – nhiệt đúng cách sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, có thể chống chọi lại mọi bệnh tật, và  đây cũng chính là đích đến quan trong nhất trong quan điểm y học cổ truyền. 

Trong chế biến thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, có thể điều hòa hàn – nhiệt theo 2 hướng chính sau:

- Phối hợp thực phẩm có tính hàn với thực phẩm có tính nhiệt: Ví dụ kho cá với thịt, thịt hay cá xào hoặc nấu canh với rau, củ.

- Đối với một loại thực phẩm, nên tận dụng hết mọi phần ăn được. Ví dụ, rau thì dùng cả thân, lá, rễ, hoa (Mướp dùng trái, hoa, lá non; khoai lang ăn cả củ lẫn lá vì phần lá bò ngang trên mặt đất trong khi củ ăn sâu dưới đất...).

Tuy nhiên, mọi thứ đều mang tính chất tương đối nên tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm, để đảm bảo có đầy đủ cả thực phẩm hàn – nhiệt trong chế độ ăn và không bị thiếu hụt dinh dưỡng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top