Nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên, còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một chứng rối loạn vận động và giấc ngủ thần kinh phổ biến, làm xuất hiện những cơn xung động thần kinh không kiểm soát xuống chân, gây ra cảm giác muốn cử động chân không kiểm soát được.

Nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên

Nguyên nhân chính xác của hội chứng này vẫn chưa được biết nhưng có thể là do:

  • Di truyền: Đôi khi hội chứng chân không yên di truyền trong gia đình, đặc biệt nếu tình trạng này bắt đầu trước 40 tuổi, 40%-90% những người mắc hội chứng này có ít nhất một người thân cấp 1 (cha mẹ, anh chị em hoặc con) mắc bệnh này.
  • Mất cân bằng dopamine: việc truyền tín hiệu dopamine bị suy giảm trong hạch nền của não có thể góp phần gây nên tình trạng này. Các hạch nền sử dụng dopamine để tạo ra hoạt động và chuyển động cơ trơn tru, có mục đích. Khi những con đường này bị gián đoạn, bạn có thể phải đối mặt với những chuyển động không chủ ý, đặc biệt vào ban đêm khi mức độ dopamine giảm dần. Những người mặc bệnh Parkinson, được biểu hiện bằng tình trạng cứng cơ và run ở bàn tay, cánh tay, chân hoặc hàm, có nguy cơ mắc hội chứng chân không yên cao hơn.
  • Hội chứng chân không yên khi mang thai: ảnh hưởng đến khoảng 20% tổng số phụ nữ mang thai, thường xuất hiện trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu nó bắt đầu trong thai kỳ, rất có thể sau khi sinh con, các triệu chứng của hội chứng chân không yên có thể tự biến mất.
  • Thiếu sắt trong não, khoáng chất này đóng vai trò chính trong việc sản xuất dopamine. Dự trữ sắt giảm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tình trạng này.

 

Yếu tố nguy cơ gây nên hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên có thể được kích hoạt bởi lối sống, chế độ ăn uống hoặc tình trạng bệnh lý mà bạn đang mắc phải.

Để tách biệt với các tác nhân gây ra, hãy ghi lại thói quen ăn uống, tập thể dục, sử dụng thuốc và giấc ngủ vào nhật kí để theo dõi. Nếu các triệu chứng của bạn không giảm và khiến bạn mất ngủ vào ban đêm, hãy đến gặp bác sĩ. Bạn có thể cần xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu sắt. Dưới đây là 5 yếu tố khiến bạn mắc hội chứng chân không yên:

  1. Sử dụng thuốc 

Thuốc kê đơn và không kê đơn là một trong những tác nhân yên phổ biến nhất.

  • Thuốc kháng histamin không kê đơn, thuốc cảm cúm và dị ứng
  • Thuốc chống trầm cảm và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSIR)
  • Thuốc chống buồn nôn n

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo rằng chúng không gây ra các tác dụng phụ và tuân thủ liều lượng khuyến nghị.

  1. Ngồi yên

Hội chứng chân không yên có thể bùng phát khi bạn ngồi trong thời gian dài không thể đứng dậy. Nếu bạn phải làm việc với máy tính cả ngày, hãy chọn một chiếc bàn có giá đỡ để bạn có thể đứng làm việc trong vài giờ. Không xem phim hoặc đọc sách trên giường, phòng ngủ chỉ để ngủ. Gắn liền với việc ngồi yên là cảm giác buồn chán và không hoạt động vào ban ngày, điều này cũng có thể gây ra hội chứng chân không yên. Bạn có thể chơi game, đọc sách hoặc làm gì đó khiến bạn không cảm thấy chán trong thời gian rảnh rỗi. Các hoạt động làm tăng sự tỉnh táo thường cải thiện hội chứng này trong vài giờ bằng cách thay đổi trạng thái tinh thần và kích hoạt hệ thống vận động của cơ thể.

  1. Thiếu sắt

Những người mắc hội chứng chân không yên có lượng sắt dự trữ trong não thấp hơn bình thường, cho dù bệnh nhân có bị thiếu máu hay không. Một nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc hội chứng này nhưng không bị thiếu máu (nồng độ hemoglobin trong máu bình thường) cho thấy 42% bị thiếu sắt và những người bị thiếu sắt có xu hướng ngủ kém hơn.

Sự thiếu hụt vitamin B6 và magie cũng có thể gây ảnh hưởng. Hỏi ý kiến bác sĩ và cân nhắc bổ sung magie (khoảng 500-1000mg mỗi ngày) và củng cố chế độ ăn uống của bạn.

Bổ sung các loại thực phẩm như rau lá xanh, lòng đỏ trứng, thịt đỏ, trái cây sấy khô, ngũ cốc và ngũ cốc tăng cường chất sắt, gà tây, các loại đậu, đậu lăng. Việc kết hợp những thành phần này với thực phẩm giàu vitamin C (trái cây họ cam quýt, dâu tây, đu đủ, ớt chuông) sẽ làm tăng khả năng hấp thụ sắt.

  1. Mang thai

Khoảng 20% phụ nữ mang thai gặp phải hội chứng chân không yên, bệnh thường xuất hiện trong 3 tháng cuối, nhưng trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 4 tuần sau khi sinh.

Hầu hết các loại thuốc được kê đơn để điều trị bệnh này đều không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Thay vào đó, bác sĩ có thể đề xuất các chiến lược như dùng chất bổ sung, bao gồm sắt folate, magie và vitamin C hoặc kéo giãn, xoa bóp chân trước khi ngủ. Ngủ đủ giấc và tránh dùng caffein.

  1. Caffein và rượu

Dùng thuốc kích thích hoặc thuốc trầm cảm quá gần giờ đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, có hoặc không có triệu chứng của hội chứng chân không yên. Giống như thuốc, caffein và rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh bằng cách cản trở giấc ngủ.

Uống rượu trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ nhanh hơn, nhưng nó cũng làm tăng số lần bạn thức dậy vào ban đêm, khiến bạn cảm thấy uể oải vào buổi sáng.

Hội chứng chân không yên có thể cản trở giấc ngủ của bạn, khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cho rằng mình có thể mắc hội chứng này để xác định các yếu tố kích hoạt bệnh và đưa ra kế hoạch điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top