Nguyên tắc cá thể hóa dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
“Dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, điều trị bệnh và hạn chế biến chứng. Đặc biệt, chế độ ăn cho người mắc đái tháo đường phải được cá thể hóa vì không thể có một thực đơn chung cho tất cả”.
Dưới đây là một số nguyên tắc cá thể hóa dinh dưỡng người bệnh cần tuân thủ:
Nhiều người bệnh đái tháo đường có xu hướng bỏ hẳn lượng bột đường (carbohydrate) trong bữa ăn. Quan niệm này hoàn toàn không đúng vì thực phẩm giàu carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể, không thể bỏ hẳn trong chế độ ăn thường ngày.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, dinh dưỡng đúng cách cần được linh hoạt dựa theo thói quen ăn uống, truyền thống văn hóa và sở thích ẩm thực của từng người. Theo đó, tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, mức độ vận động, cân nặng, sở thích cá nhân cũng như sự thay đổi của thực phẩm theo mùa mà người bệnh đái tháo đường có thể xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với bản thân.
Dù vậy, vẫn có một vài mục tiêu bạn cần tuân thủ để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày:
- Uống đủ nước.
- Nên ăn điều độ, đúng giờ, không để đói quá, không để no quá sẽ rất khó để kiểm soát đường huyết.
- Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày (ít nhất 4 bữa/ngày), nên ăn bữa phụ buổi tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.
- Không nên thay đổi quá nhanh và nhiều cơ cấu cũng như khối lượng của các bữa ăn.
- Không nên quá kiêng khem mà cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất như chất đạm (protein), chất béo, bột đường, vitamin, khoáng chất, chất xơ… Mỗi loại thực phẩm chứa một số chất dinh dưỡng khác nhau và không có một thực phẩm nào chứa đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của một người. Do đó, người bệnh đái tháo đường không nên chỉ ăn một vài thực phẩm nhất định mà hãy ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn.
Do thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số đường huyết, người bệnh đái tháo đường cũng cần chú ý cá thể hóa chế độ ăn để duy trì chỉ số HbA1C trong ngưỡng an toàn.
Theo đó, bạn nên chú ý thực hiện những lời khuyên sau để duy trì chỉ số HbA1C ổn định:
- Ăn nhiều rau củ, trái cây tươi có chỉ số chuyển hóa đường huyết (chỉ số GI) thấp như bưởi, táo, lê…
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt…
- Hạn chế thực phẩm chứa các loại chất béo bão hòa.
- Không ăn thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ.
- Ăn đủ bữa, đúng giờ.
- Hạn chế việc ăn nhiều muối.
- Bổ sung protein trong các loại thịt nạc, cá, các loại đậu…
Đái tháo đường có liên quan mật thiết đến một số bệnh khác như tăng huyết áp, béo phì, trầm cảm… Do đó, ăn uống đúng cách cũng giúp làm chậm diễn tiến của các bệnh, biến chứng này.
Một lý do nữa khiến người bệnh đái tháo đường cần cá thể hóa dinh dưỡng là do nhiều người bệnh còn mắc kèm các bệnh nền khác (như gout, tăng huyết áp, mỡ máu cao).
Ví dụ, người bệnh đái tháo đường mắc kèm các bệnh tim mạch nên chú ý hạn chế muối ăn, các chất béo “xấu” trong chế độ ăn thường ngày. Theo đó, bạn nên hạn chế dùng muối, bột nêm, bột ngọt, nước tương, nước mắm… khi chế biến món ăn; Tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo “xấu” như thực phẩm chế biến sẵn, mỡ, nội tạng động vật…
Bên cạnh việc cá thể hóa chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh đái tháo đường có thể tham khảo sử dụng thêm các sản phẩm thảo dược có chứa câu kỷ tử, mạch môn, hoài sơn…
Cùng với chế độ ăn uống được cá thể hóa, sử dụng thêm các thảo dược trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm đường huyết bền vững và phòng ngừa các biến chứng đái tháo đường hiệu quả hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh