Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu ở các nước phát triển và cao huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn nhất.
Cao huyết áp là yếu tố góp phần gây ra hơn 348.000 cái chết ở Mỹ năm 2009, gây thiệt hại cho nước này hơn 50 tỷ đô la mỗi năm. Kiểm soát cao huyết áp là một trọng tâm của y tế công cộng nhưng các chế độ ăn phòng chống cao huyết áp trước đó mới chỉ tập trung vào giảm muối.
Tuy nhiên, lợi ích của việc giảm lượng muối hấp thụ vẫn còn gây tranh cãi. Nghiên cứu cho thấy tác dụng giảm huyết áp do hạn chế dùng muối là không nhiều.
Một nghiên cứu gần đây bao gồm 100.000 người tham gia cho thấy hấp thụ muối từ 3-6g/ngày làm giảm nguy cơ tử vong và bệnh tim mạch nhiều hơn so với việc hấp thụ lượng muối cao hơn hoặc thấp hơn. “Do đó, khuyến cáo dùng dưới 3g muối/ngày là không đúng,” tác giả viết.
Thực phẩm chế biến không chỉ là nguồn chứa nhiều muối mà còn cả carbohydrate tinh chế như các loại đường và tinh bột. Các nhà nghiên cứu nhận định: “Các bằng chứng thuyết phục từ nghiên cứu dân số và thử nghiệm lâm sàng cho thấy các loại đường, đặc biệt là đường fructose là tác nhân chính gây ra cao huyết áp. Hơn nữa, các bằng chứng cho thấy đường nói chung và đường fructose nói riêng có thể gây ra nguy cơ tim mạch thông qua một số cơ chế.”
Sucrose, hay đường ăn, là loại đường gồm hai đường đơn glucose và fructose. Sucrose là thành phần phổ biến trong thực phẩm công nghiệp chế biến nhưng không phổ biến trong các chất làm ngọt khác như xirô ngô nhiều fructose. Xirô ngô nhiều fructose có fructose (55%) nhiều hơn glucose (45%) và thường dùng làm các chất làm ngọt trong thực phẩm chế biến, đặc biệt là nước hoa quả và soda. Cứ uống 680 g nước ngọt có ga sẽ làm tăng huyết áp trung bình lên 15/9 mm Hg và nhịp tim lên 9 nhịp/phút.
Các nhà nghiên cứu nhận định “đường có thể tác động đến huyết áp nhiều hơn là muối.” Hấp thụ nhiều đường làm tăng đáng kể huyết áp tâm thu (6.9 mm Hg) và huyết áp tâm trương (5.6 mm Hg) trong thời gian thử nghiệm kéo dài 8 tuần hoặc hơn.
Theo nghiên cứu, người tiêu thụ hơn 25% tổng lượng calo từ đường bổ sung tăng gần gấp 3 lần nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Thậm chí dùng lượng đường vừa phải trong thời gian ngắn cũng gây hại.
Lượng đường hấp thụ trên đầu người hiện nay ở Mỹ bằng xấp xỉ từ 2 đến 8 lần mức khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới. Đặc biệt ở người trưởng thành, mức tiêu thụ hiện nay có thể nhiều gấp từ 6 đến 16 lần mức khuyến cáo.
Hấp thụ fructose quá mức làm tăng nhịp tim, hoạt động tim, giữ lại muối trong thận và tăng áp lực mạch máu. Tất cả điều này góp phần làm tăng huyết áp và nhu cầu oxy của tim. Tuy nhiên, hấp thụ các loại đường có trong tự nhiên, bao gồm cả fructose (ví dụ như hoa quả) không có hại và còn có thể có lợi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh