Đường ăn được tạo thành từ hai loại phân tử: glucose và fructose. Đường fructose có mặt tự nhiên trong mật ong và với một lượng nhỏ trong một số loại trái cây và rau quả (như bí xanh, củ cải đường, mía và ngô…). Đường fructose có vị ngọt hơn glucose, đó là lý do tại sao nó được sử dụng trong siro ngô hàm lượng fructose cao và một số thực phẩm chế biến sẵn.
Cho đến đầu những năm 1900, trung bình một người Mỹ ăn khoảng 15g đường fructose mỗi ngày, chủ yếu là từ trái cây và rau quả. Nhưng bây giờ con số đó đã tăng vọt, và ngày nay, một người bình thường ăn khoảng 55g đường fructose mỗi ngày. Từ lâu, chúng ta đã biết rằng ăn quá nhiều đường có thể có nhiều tác động xấu đến sức khỏe và các chuyên gia tin rằng đường fructose thậm chí còn thể gây hại hơn cả glucose, vì ngày càng có nhiều nghiên cứu liên hệ đường với một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Gần đây nhất, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy đường fructose có thể làm tăng tình trạng viêm, có nghĩa là nó thậm chí có thể tác động tiêu cực đến phản ứng miễn dịch.
Nghiên cứu này không có nghĩa là mọi người nên ngừng ăn trái cây, nhưng nên giảm tiêu thụ siro ngô có hàm lượng fructose cao có trong một số loại đồ uống.
Một loại tế bào bạch cầu gọi là bạch cầu đơn nhân sẽ bị viêm nhiều hơn khi nuôi cấy trong đường fructose. Điều đó có nghĩa là, khi cung cấp cho chúng fructose thay vì glucose, chúng sẽ tạo ra nhiều protein liên quan đến viêm được gọi là cytokine.
Nói cách khác, đường fructose có thể khiến các tế bào trong cơ thể bị viêm. Loại viêm này có thể làm hư hại các tế bào và mô, do đó có thể dẫn đến các hệ thống trong cơ thể — như tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch — không hoạt động như bình thường.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các tế bào đuôi gai, rất quan trọng đối với phản ứng miễn dịch, cũng bị viêm khi tiếp xúc với đường fructose, trái ngược với khi chúng tiếp xúc với glucose. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định xem đường fructose có thể ảnh hưởng đến phản ứng của hệ miễn dịch với virus hay không và nếu có thì ảnh hưởng như thế nào.
Tất cả các tế bào đều có thể chuyển hóa glucose, nhưng chỉ gan mới có thể giáng hóa đường fructose với lượng lớn. Khi ăn quá nhiều fructose, gan sẽ biến nó thành mỡ, có thể dẫn đến tăng cân và béo phì.
Nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa fructose và viêm cũng có thể giải thích mối liên quan giữa fructose và béo phì, vì viêm mạn tính mức độ thấp cũng liên quan đến béo phì.
Khi ăn một lượng lớn đường fructose, bạn cũng có thể tăng nguy cơ mắc đái tháo đường loại 2. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện cho thấy uống nước ngọt có đường fructose (như soda) có thể làm giảm độ nhạy insulin, đây là một yếu tố nguy cơ phát triển đái tháo đường loại 2. Chưa có đủ nghiên cứu để khẳng định tăng nguy cơ đái tháo đường loại 2 là do bản thân đường fructose hay là do lượng calo tăng lên — nhưng dù bằng cách nào, quản lý lượng nước ngọt sẽ làm giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường loại
Hơn nữa, một số nghiên cứu trên chuột và chuột đang phát hiện ra rằng fructose có thể làm giảm tín hiệu insulin, thậm chí gây ra kháng insulin, mặc dù cần nghiên cứu thêm trên người để xác nhận những phát hiện này.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một tình trạng bệnh tương đối mới có liên quan đến tăng bệnh béo phì và đái tháo đường loại 2. Gan nhiễm mỡ phát triển khi gan tạo ra quá nhiều mỡ hoặc không phân hủy chất béo đủ hiệu quả. Đổi lại, NAFLD có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như ung thư gan hoặc thậm chí suy gan.
Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2018, bằng chứng cho thấy NAFLD có liên quan đến việc tiêu thụ đường fructose, khiến mỡ tích tụ trong gan khi gan phân hủy đường. Mặc dù cần nghiên cứu thêm để xác nhận mối liên hệ này, nhưng các tác giả của nghiên cứu đã viết rằng giảm lượng đường fructose "có thể có lợi ích đáng kể" trong việc ngăn ngừa mỡ tích tụ trong gan.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh