✴️ Viêm đại tràng sigma là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Nội dung

1. Tổng quan về viêm đại tràng

đại tràng sigma

Đại tràng sigma nằm ở vị trí thấp nhất trong đại tràng và có hình chữ S

 

1.1 Viêm đại tràng sigma là gì?

Đại tràng sigma (đại tràng xích – ma) nằm ở vị trí thấp nhất đại tràng, có hình dáng chữ S. Đây là nơi chứa chất thải cơ thể vì thế rất dễ viêm nhiễm. Đại tràng sigma có hình chữ S, nằm ở vị trí thấp nhất trong đại tràng và nối liền trực tràng.

Viêm đại tràng sigma là hiện tượng những tổn thương, vết loét xuất hiện tại niêm mạc đại tràng sigma.

 

1.2 Phân loại viêm đại tràng sigma

Hiện nay bệnh có 2 dạng chính bao gồm:

  • Dạng cấp tính: Nguyên nhân chính là do đường ruột bị nhiễm độc, bệnh khởi phát nhanh và đột ngột. Người bệnh sẽ đau quặn bụng, tiêu chảy khiến cơ thể mất nước.
  • Dạng mãn tính: Bệnh cấp tính không được chữa trị dứt điểm có thể chuyển sang dạng mãn tính kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

 

2. Viêm đại tràng sigma nguy hiểm ra sao?

Không phải ai cũng nhận thức đúng đắn được mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Bệnh gây rất nhiều bất tiện cho đời sống sinh hoạt của người bệnh. Có thể kể đến: chướng bụng, chán ăn, rối loạn đại tiện, uể oải,… Không chỉ vậy, viêm đại tràng xích – ma nếu không có phác đồ điều trị kịp thời và chế độ chăm sóc phù hợp còn có thể tiến triển sang các bệnh lý phức tạp nguy hiểm hơn như:

  • Xuất huyết đại tràng: Niêm mạc đại tràng bị tổn thương dẫn tới tình trạng chảy máu bên trong đại tràng. Người bệnh cần được cầm máu ngay lập tức để tránh tử vong do bị mất máu.
  • Thủng đại tràng: Khi ổ viêm loét ngày càng sâu sẽ ăn mòn niêm mạc đại tràng và dẫn đến biến chứng thủng đại tràng.
  • Ung thư đại tràng sigma: Tổn thương vết loét lâu năm ở đại tràng sẽ khiến các tế bào loạn sản dị sản tiến triển thành ung thư đe dọa tính mạng người bệnh.

Để không gây nguy hiểm đến tính mạng, bạn không được phép chủ quan xem nhẹ bệnh. Hãy lập tức thăm khá nếu xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ!

 

3. Triệu chứng cảnh báo bệnh viêm đại tràng sigma

triệu chứng viêm đại tràng sigma

Các cơn đau bụng dưới là dấu hiệu ban đầu của bệnh.

Biểu hiện bệnh ở mỗi người là khác nhau tùy theo cơ địa và mức độ bệnh. Các dấu hiệu điển hình nhắc nhở về bệnh bao gồm:

  • Các cơn đau vùng bụng dưới: Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc quặn thắt, cảm giác như chuột rút ở bụng.
  • Rối loạn đại tiện: Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều lần. Phân nát sống, khuôn phân nhỏ. Sau khi sử dụng đồ uống có cồn, ăn các món gia vị cay nóng hoặc thức ăn tanh như cá, da gà,… bệnh nhân có thể đi đại tiện liên tục, 5-6 lần/ ngày
  • Bụng ì ạch, đầy hơi, sưng chướng hoặc reo ọc ạch cả ngày.

Khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, bạn hãy ghé ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

 

4. Phương pháp chẩn đoán

Để xác định bệnh nhân có mắc bệnh viêm loét đại tràng sigma hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi đáp để đánh giá tình trạng bệnh lý. Các câu hỏi bao gồm: mức độ cơn đau bụng, tần suất cơn đau, tính chất phân lỏng hay nát, mô tả cảm giác chướng bụng, thường chướng bụng ở trước bữa ăn, sau bữa ăn hay thời điểm nào,…

Sau đó, để đi đến kết luận bệnh chính xác nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như:

  • Nội soi đại tràng: được đánh giá là phương pháp phổ biến và cho kết quả chuẩn xác nhất để bắt bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống nội soi có gắn camera và đèn chiếu sáng trên đầu vào đại tràng của người bệnh. Hình ảnh bên trong đại tràng sẽ được chiếu trên màn hình. Bác sĩ quan sát và chẩn đoán bệnh lý.
  • Chụp X – quang đại tràng: thường được chỉ định cho người già, trẻ nhỏ sức khỏe yếu,…không thể thực hiện nội soi.
  • Xét nghiệm phân: giúp xác định được nguyên nhân dẫn đến bệnh là do loại vi sinh vật nào. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên do để lên phác đồ đặc hiệu. 
  • Các phương pháp như chụp CT hoặc MRI.

 

5. Cách điều trị dứt điểm viêm đại tràng sigma

Người bệnh đều rất nóng lòng muốn biết bệnh có chữa được không và bằng cách nào? Bệnh có thể chữa trị dễ dàng hiệu quả khi được phát hiện sớm. Nếu bệnh trở nặng, xuất huyết hoặc ung thư thì quá trình chữa trị rất gian nan. Do đó mấu chốt nằm ở việc bạn cần chủ động thăm khám định kỳ hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ điều trị chuyên biệt. Tùy theo tình trạng bệnh, thể trạng tiền sử bệnh của mỗi người mà đơn thuốc sẽ khác nhau. Một số nhóm thuốc chính được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc kháng sinh để tăng cường đề kháng, chống nấm và ký sinh trùng
  • Các loại thuốc giảm đau để hạn chế cảm giác đau quặn vùng bụng
  • Thuốc cầm tiêu chảy
  • Thuốc điều trị hội chứng chướng bụng đầy hơi

Khi nhận được đơn thuốc, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của y bác sĩ. Không tự ý bỏ thuốc giữa chừng, tăng giảm liều lượng thuốc. Vì làm vậy thuốc không phát huy được công dụng. Ngược lại việc này có thể gây ra tác dụng phụ khôn lường. Người bệnh cũng cần kết hợp uống thuốc với việc nghỉ ngơi khoa học, ăn uống lành mạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top