✴️ Gan lợn: chế biến không đúng thành độc hại

Nội dung

Gan lợn có giá trị dinh dưỡng cao bởi có nhiều chất đạm, sắt, vitamin nhóm B, các loại men như men tiêu hóa, men thải độc, tốt cho người thiếu máu, mù màu, còi xương. Chưa hết, vitamin A có trong gan còn có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng và phát triển ở trẻ. Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong 100g gan lợn chứa 21,3 g protein, 25 mg sắt, 8.700 mcg vitamin A, vitamin B, D, axit folic, nicotilic…

Gan lợn có thể coi là một thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu không được chế biến đúng cách và loại bỏ những chất độc có trong gan thì thực phẩm này sẽ mang lại nhiều độc hại.

Dưới đây là những sai lầm trong cách chọn và chế biến gan lợn bạn nên tránh:

1. Chọn phải gan của lợn có bệnh

Khi chọn và ăn phải gan của những con lợn có bệnh thì sẽ rất có hại cho sức khỏe bởi trong gan của những con lợn này sẽ chứa những virus và độc tố gây bệnh.

Cách phân biệt gan bệnh và gan thường:

Gan của những con lợn có bệnh thường không có màu đỏ tươi, bề mặt gan có nốt sần, màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi. Khi ấn tay vào không có độ đàn hồi mà cảm giác nhẽo, chảy nước.

2. Gan lợn chưa được chế biến chín hẳn

Gan lợn có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, hoặc có chứa virus gây bệnh. Nếu gan không được nấu chín hẳn, còn tái sẽ không diệt hết được các loại virus, ký sinh trùng này. Nếu ăn loại gan này bạn sẽ mang theo mầm bệnh nguy hiểm vào người.

Trước khi chế biến không bóc lớp màng trên bề mặt, bóp hết máu đọng trong miếng gan lợn:

Lượng máu đọng trong gan chứa rất nhiều độc tố mà gan chưa kịp đào thải, vì vậy trước khi chế biến bạn cần bóp hết lượng máu đọng này. Đồng thời, hãy bóc bỏ lớp màng mỏng trên bề mặt gan để việc vệ sinh gan được triệt để.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, với bé ăn dặm, có thể cho mỗi bữa ăn 30g gan. Trẻ em nên ăn 2 bữa gan/tuần, vừa giúp thải độc, tăng cường vitamin A, tăng chiều cao, chống thiếu máu, cân đối axit amin, bổ sung chất dinh dưỡng. Người lớn mỗi tuần ăn một bữa gan xào sẽ rất tốt. Đối với phụ nữ mang thai nên tránh ăn gan và các sản phẩm từ gan, tốt nhất chỉ nên ăn 1-2 lần/tháng.

3. Lưu ý khi ăn gan lợn:

Tuyệt đối không được ăn quá nhiều vì hàm lượng cholesterol trong gan lợn rất cao, có thể gây ra các bệnh như: xơ vữa động mạch; bệnh tim nặng hơn, bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành.

Những người mắc bệnh cao huyết áp, mạch vành nên hạn chế gan lợn; không ăn gan lợn cùng với vitamin C Ví dụ: gan xào giá đỗ. Vì khi xào chung hai loại thực phẩm này, vitamin C trong giá đỗ sẽ bị oxy hóa hết và món ăn sẽ không còn chất dinh dưỡng.

Cần chế biến gan lợn sạch và chín, có thể ngâm gan lợn trong nước muối khoảng 10 phút rồi mới chế biến; nên kết hợp gan lợn với cà rốt. Cà rốt chứa nhiều caroten, trong đó hàm lượng của beta carotene nhiều nhất, khi vào cơ thể, beta caroten được gan và ruột non phân giải thành vitamin A. Ngoài ra, caroten có tác dụng quan trọng trong phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, dạ dày, da, miệng… giúp tăng cường miễn dịch, phòng ngừa bệnh tim mạch và đục thủy tinh thể.

Gan lợn cũng như nhiều loại gan động vật khác, không nên xào nấu lẫn với những loại rau củ giàu vitamin C như giá đỗ, rau cần, cải xoăn… vì vitamin C trong dung dịch trung tính và tính kiềm không ổn định, đặc biệt khi có các vi lượng như đồng, sắt càng dễ bị oxy hóa phân giải. Gan lợn có hàm lượng sắt, đồng cao, khi xào lẫn sẽ làm mất hết giá trị dinh dưỡng của những loại rau củ quả này.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top