Giảm nguy cơ đột quỵ nhờ chất béo thực vật

Nội dung

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 8/11 tại Hội nghị Khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2021 ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm đã qua chế biến và mỡ động vật làm tăng nguy cơ đột quỵ, trong khi ăn chất béo thực vật hoặc chất béo không bão hòa đa sẽ làm giảm nguy cơ này.

Tiến sỹ Fenglei Wang đến từ trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng, lựa chọn loại chất béo quan trọng hơn việc bổ sung bao nhiêu chất béo trong chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ”

Hai nghiên cứu - Nghiên cứu sức khỏe Y tá (1984-2016) và Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế (1984-2016), đã được sử dụng làm nguồn dữ liệu chính cho nghiên cứu này. Đây là hai trong số những nghiên cứu lớn nhất để xem xét các yếu tố nguy cơ của các bệnh mạn tính khác nhau. Đã có 117.136 người tình nguyện có độ tuổi trung bình là 50, 63% là phụ nữ, 97% là người da trắng, tất cả đều không mắc bệnh tim và ung thư tham gia 2 nghiên cứu này. Cứ mỗi bốn năm, những người tình nguyện này được yêu cầu trả lời các phiếu câu hỏi về việc bổ sung chất béo. Những câu hỏi này bao gồm các vấn đề về số lượng, loại chất béo và nguồn gốc chất béo mà họ đã ăn.

Trong quá trình nghiên cứu, 6.189 người tham gia đã bị đột quỵ, trong đó 2.967 trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 814 trường hợp đột quỵ do xuất huyết. Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều chất béo thực vật có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 12% so với những người ăn ít. Mặt khác, những người ăn nhiều chất béo bão hòa có nguồn gốc động vật có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16% so với những người ăn ít chất béo loại này. Những người ăn nhiều hơn một khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 8%.

“Dựa trên những kết quả của nghiên cứu, chúng tôi khuyến nghị mọi người nên giảm ăn thịt đỏ, thực phẩm đã qua chế biến và thay thế mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật như dầu olive”, Tiến sỹ Fenglei Wang nói.

Đặc biệt, chất béo không bão hòa có trong rau, quả hạch và cá có thể làm giảm mức cholesterol và giúp con người khỏe mạnh. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường không tốt cho sức khỏe. Chất béo bão hòa thường có trong các loại thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, và có xu hướng rắn ở nhiệt độ phòng. Trong nghiên cứu này, chúng bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt xông khói, xúc xích, thịt ba chỉ, xúc xích...

Chuyên gia dinh dưỡng tim mạch Alice H. Lichtenstein cho biết những loại dầu nên dùng để chế biến thức ăn bao gồm dầu hướng dương, dầu đậu nành, vốn có nhiều acid béo không bão hòa đa, và sau đó là các loại dầu hạt cải và dầu olive, có nhiều acid béo không bão hòa đơn.

Tuy nhiên, một hạn chế của nghiên cứu là nó chỉ mang tính chất quan sát và khẩu phần ăn do những người tham gia tự báo cáo, điều này có thể dẫn đến kết quả không chính xác. Ngoài ra, nghiên cứu này chủ yếu là ở những người châu Âu, do đó, những phát hiện có thể không khái quát được đối với những người thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc khác nhau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top