Giảm nguy cơ mắc COVID-19 nhờ bổ sung vitamin D

Covid-19 vẫn còn là căn bệnh khá mới mẻ và vẫn chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về căn bệnh này. Do đó, hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định liệu bổ sung vitamin D có thể giúp chống lại virus gây bệnh hay không.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu, bao gồm cả các nghiên cứu mới cho thấy, việc bổ sung vitamin D có thể mang tới lợi ích cho hệ miễn dịch, hệ hô hấp.

Vitamin D giúp cải thiện hệ miễn dịch

Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, đồng thời cũng là một hormone đóng vai trò quan trọng đối với khả năng miễn dịch, theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ).

Vitamin D có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch, chống nhiễm trùng

Theo TS. David Sinclair từ Đại học Harvard (Mỹ): “Các tế bào miễn dịch cần vitamin D để có thể hoạt động được bình thường”. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, vitamin D có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phản ứng miễn dịch bằng cách tăng cường sản sinh các chất kháng khuẩn. Các nhà khoa học cho rằng vitamin D cũng có thể kích hoạt một số gene liên quan tới phản ứng miễn dịch trong cơ thể.

Thiếu vitamin D cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng ruột kích thích, theo bài đánh giá đăng tải trên tạp chí Investigative Medicine (Anh).

Trên thực tế, tình trạng thiếu hụt vitamin D khá phổ biến. Một nghiên cứu năm 2017 đã đưa ra ước tính: Có khoảng 1 tỷ trẻ em và người trưởng thành trên toàn thế giới bị thiếu vitamin D. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, những người có nồng độ vitamin D trong máu nằm trong khoảng từ 40 - 60ng/mL có khả năng chống lại virus hiệu quả hơn, từ đó giảm nguy cơ tử vong khi bị bệnh.

 

Vitamin D và lợi ích cho hệ hô hấp

Theo TS. Rhonda Patrick (người Mỹ), vitamin D có thể giúp chống lại tổn thương phổi. Theo đó, một nghiên cứu trên tạp chí BMJ (Anh) cho thấy, bổ sung vitamin D có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

 

Cần lưu ý gì khi bổ sung vitamin D?

Cách đơn giản nhất để bổ sung vitamin D là thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (tốt nhất là trong khoảng từ 6 - 9 giờ sáng). Tuy nhiên, nếu không có khả năng ra ngoài trời thường xuyên, bạn có thể bổ sung vitamin D từ các thực phẩm (như cá hồi, cá ngừ, cá thu, lòng đỏ trứng, nấm) hoặc bổ sung vitamin D từ các loại thực phẩm chức năng.

Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung từ 400 - 800IU vitamin D/ngày để ngăn ngừa bệnh còi xương. Tuy nhiên, nếu muốn đảm bảo các lợi ích sức khỏe khác, một người trưởng thành có thể cần bổ sung từ 2.500 - 4.000IU vitamin D3/ngày. Tuy nhiên, để tránh bổ sung quá nhiều vitamin D gây ra các tác dụng phụ khó chịu, bạn nên trao đổi với bác sỹ để được tư vấn liều bổ sung phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top