✴️ Khi mắc bệnh Covid thì ăn uống cần chú ý gì

Nội dung

Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ, thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh.

 

1. Chế độ dinh dưỡng cho người mắc COVID-19 quan trọng như thế nào?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc những bệnh nhân mắc một số tình trạng viêm nhiễm khác đều cần phải bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu không kịp thời bổ sung dinh dưỡng, người bệnh có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.

Đây chính là yếu tố khiến sức đề kháng của bệnh nhân kém hơn rất nhiều, khả năng đáp ứng điều trị cũng giảm, bệnh dễ tiến triển nặng, gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân có chế độ ăn không tốt có thể cần thời gian điều trị lâu hơn so với những bệnh nhân ăn uống đủ chất dinh dưỡng. 

Nhu cầu năng lượng trung bình của bệnh nhân mắc COVID-19 là 27 kcl/kg thể trọng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người bệnh có bệnh lý nền và đang ở tình trạng suy dinh dưỡng thì nhu cầu năng lượng sẽ nhiều hơn và cần khoảng 30 kcl/kg thể trọng. Bệnh nhân có cân nặng trung bình nhưng bệnh tiến triển thành viêm phổi nặng thì nhu cầu năng lượng cần trong khoảng 25 - 30 kcl/kg thể trọng. Bệnh nhân là những người thừa cân hoặc béo phì thì nhu cầu năng lượng cần dưới 25 kcl/kg thể trọng.

Bộ y tế khuyến cáo, người bệnh nên bổ sung khoảng 1.800 kcl/người/ngày qua các bữa ăn. Với những người bệnh tiến triển nặng hoặc có bệnh lý nền kèm theo, năng lượng cung cấp có thể thấp hơn so với bệnh nhân bình thường, tuy nhiên những trường hợp này cần kèm theo truyền dịch. 

Nhiều người Việt có thói quen duy trì 03 bữa chính trong ngày (bữa sáng, bữa trưa, bữa tối). Tuy nhiên, một số người còn bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Những thói quen này khiến cho tổng năng lượng qua bữa ăn hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Để cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hàng ngày, chúng ta cần đảm bảo không bỏ bữa, ăn đủ 03 bữa chính, và lưu ý ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu/đỗ/hạt ngũ cốc rang/sấy).

2. Một số nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng cho người mắc COVID-19

Không được bỏ bữa

Không phải bệnh nhân nào cũng xuất hiện triệu chứng khi mắc COVID-19, tuy nhiên, có một số trường hợp bị bệnh sẽ gặp phải tình trạng mất khứu giác hay mất vị giác. Triệu chứng này chỉ là tạm thời và không quá nguy hiểm nhưng cũng không thể phủ nhận nó sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, khiến bệnh nhân ăn không ngon miệng, không hứng thú với chuyện ăn uống. 

Nhưng không nên vì những triệu chứng này mà bỏ bữa bởi khi bỏ bữa, bệnh nhân sẽ không có đủ năng lượng cũng như sức đề kháng tốt nhất để chống lại bệnh tật. Vì thế, nên động viên bệnh nhân tích cực ăn uống, tránh bỏ bữa. Nếu cảm thấy khó khăn trong công việc ăn uống có thể chia nhỏ bữa ăn, trang trí món ăn nhiều màu sắc, hấp dẫn để người bệnh cảm thấy hào hứng ăn hơn. 

Chú trọng đến những thực phẩm giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng

Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng đặc biệt, chưa xảy ra biến chứng thì không nhất thiết phải có một chế độ ăn riêng. Điều quan trọng nhất đối với mỗi bữa ăn là cung cấp đủ năng lượng, đủ dinh dưỡng, giúp bệnh nhân luôn cảm thấy khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật. 

Với những trường hợp này, bệnh nhân nên bổ sung những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng như các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin C, thực phẩm chứa nhiều đạm và chứa nhiều kẽm,…

 

Tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng của bệnh lý nền

Đối với những trường hợp bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý nền, chế độ dinh dưỡng của họ cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc dinh dưỡng của bệnh lý nền. Chẳng hạn, những người mắc bệnh tiểu đường thì không nên ăn quá nhiều tinh bột, hay những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch thì không nên ăn thực phẩm có chứa nhiều muối. Trong trường hợp bệnh nhân có kèm theo nhiều bệnh lý nền, các bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số khối BMI cụ thể của từng bệnh nhân để đưa ra chế độ ăn phù hợp. 

 

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị nhiễm COVID-19

Đối với trẻ em, khi mắc COVID-19, chế độ ăn của trẻ sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ đang bú mẹ thì cần duy trì cho trẻ được bú mẹ, nếu trẻ có hiện tượng biếng ăn, ăn kém, mẹ có thể vắt sữa và cho trẻ uống sữa bằng thìa, chia làm nhiều lần.

Nếu trẻ đang ăn dặm, bé sẽ được bổ sung các loại thực ăn dạng mềm, loãng chẳng hạn như cháo, sữa,… Những trẻ lớn hơn thì chế độ ăn của các em sẽ gần giống với chế độ ăn của người lớn, chú ý nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa.

Nguyên tắc quan trọng là cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, nên bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất. Với những trường hợp trẻ có biểu hiện bệnh từ nhẹ đến nghiêm trọng, bác sĩ có thể  áp dụng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng riêng biệt, phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.

 

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng

Người bệnh cần được cung cấp đầy đủ một số dưỡng chất quan trọng cho cơ thể bao gồm: 

  • Tinh bột để giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng. Tinh bột có nhiều trong gạo, bánh mì và các loại khoai. 

  • Rau xanh: Cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể và rất hữu ích cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng cho tế bào.

  • Chất đạm: Là một dưỡng chất giúp xây dựng cấu trúc tế bào và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn.

  • Chất béo giúp màng tế bào luôn khỏe mạnh, có nhiều trong các loại ngũ cốc chẳng hạn như vừng, lạc. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước. Hạn chế đường và muối để không tăng gánh nặng tuần hoàn cho người bệnh. 

3. Những lưu ý chung trong sinh hoạt hàng ngày

Người cách ly trong nhà cũng cần chú ý rèn luyện sức khoẻ bằng cách thường xuyên vận động, đi lại trong phòng, có thể tập thể dục nhẹ, ngồi thiền, xoa bóp cơ thể, hít thở không khí trong lành, nếu có điều kiện thì tắm nắng, tắm gió, thả lỏng cơ thể…

Hằng ngày, người cách ly tại nhà nên dùng nước muối súc miệng, súc họng, xịt mũi; giữ tinh thần thật tốt, không nên quá lo lắng, hoang mang.

Những người cách ly cũng cần chú ý bổ sung dinh dưỡng phù hợp, ăn đầy đủ, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Nên ăn nhiều hoa quả, uống nước hoa quả để tăng sức đề kháng, thậm chí người dân có thể ăn thêm tỏi, sả… các sản phẩm tăng sức đề kháng…

Ngủ nghỉ đúng giờ thì bệnh sẽ tiến triển tốt.

Nhà cửa vệ sinh thông thoáng, rửa tay thường xuyên thì không có nguy cơ lây nhiễm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top