Loại gạo nào phù hợp cho người bệnh đái tháo đường

Nội dung

Thông thường, người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) thường được khuyên nên chọn các thực phẩm có chỉ số chuyển hóa đường huyết (chỉ số GI) thấp từ 55 trở xuống để không khiến đường huyết tăng nhanh sau khi ăn. Tuy nhiên, gạo trắng, gạo nếp thường có chỉ số GI khá cao (từ 73 - 78), do đó chúng được nhận xét là không mấy “thân thiện” với người bệnh đái tháo đường.

Vậy đâu là những loại gạo tốt cho người bệnh đái tháo đường?

Dưới đây là một số loại gạo có chỉ số GI thấp hơn so với gạo trắng. Điều này có nghĩa cơ thể sẽ cần nhiều thời gian để tiêu hóa các loại gạo này, từ đó giải phóng đường vào máu chậm, từ từ hơn:

Các loại gạo

Chỉ số GI (khi đã nấu chín)

Gạo lứt (gạo nâu)

50 - 55

Gạo Basmati (gạo Ấn Độ) nguyên hạt

50 - 52

Gạo huyết rồng (red rice)

Khoảng 55

Gạo nếp cẩm

42 - 45

Gạo hoang (wild rice)

45

- Gạo Basmati (gạo Ấn Độ): Loại gạo này có chứa nhiều tinh bột kháng tiêu hóa (resistant starch) cùng các khoáng chất như đồng, magne giúp điều chỉnh hàm lượng insulin trong cơ thể, giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn, phòng ngừa nguy cơ biến chứng do đái tháo đường type 2.

- Gạo lứt (gạo nâu): Loại gạo này chứa nhiều chất xơ, các vitamin và khoáng chất, bao gồm cả magne. Không giống như gạo trắng, gạo lứt không bị loại bỏ lớp cám. Do đó, cơ thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa gạo lứt. Điều này biến chúng thành loại gạo tốt cho người bệnh đái tháo đường.

- Gạo huyết rồng, gạo nếp cẩm: Các loại gạo này có màu sắc đặc biệt bởi chúng có chứa nhiều anthocyanin (chất chống oxy hóa mạnh mẽ có nhiều trong các loại quả mọng). Anthocyanin có khả năng chống oxy hóa, chống viêm mạnh mẽ, giúp bảo vệ người bệnh đái tháo đường khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra. Điều này cũng có thể giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm trên tim, mạch máu, thần kinh…

 

Chú ý tới cách nấu và lượng cơm trong bữa ăn

Để tránh làm tăng chỉ số GI của gạo, bạn nên chú ý thêm nước ở lượng vừa phải, không nấu cơm quá chín. Điều này sẽ giúp bạn giữ được lượng vitamin và các dưỡng chất tối ưu khác trong gạo.

Trong bữa ăn, bạn cũng không nên ăn quá nhiều cơm. Thay vào đó, hãy ăn nhiều rau củ, trái cây, các thực phẩm giàu protein… để tránh làm đường huyết tăng cao sau ăn.

Nhìn chung, có 3 nguyên tắc người bệnh đái tháo đường cần chú ý khi ăn:

- Ăn cơm với lượng vừa đủ: Nếu chia đĩa thức ăn thành 4 phần thì cơm/tinh bột chỉ nên chiếm 1/4.

- Ăn đúng giờ.

- Ăn đúng thứ tự: Bạn nên ăn các loại rau củ trước, sau đó tới thức ăn rồi mới tới cơm. Chất xơ trong rau củ có thể giúp làm chậm hấp thụ đường sau ăn.

Tốt hơn hết, người bệnh đái tháo đường nên đo đường huyết sau khi ăn để biết được chế độ ăn của mình đã phù hợp hay chưa.

Đường huyết tăng cao sau bữa ăn về lâu dài có thể làm gia tăng chỉ số HbA1c (chỉ số phản ánh lượng đường huyết trung bình trong vòng 2 - 3 tháng trước đó). Kiểm soát đường huyết kém có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng trên tim, mắt, thận, thần kinh…

Do đó, người bệnh đái tháo đường nên chú ý kiểm soát đường huyết ngay trong từng bữa ăn để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ dùng sản phẩm thảo dược có chứa nhàu, hoài sn, mạch môn, câu kỷ tử, chất chống oxy hóa alpha lipoic acid (ALA) để phòng ngừa và cải thiện biến chứng đái tháo đường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top