Mặc dù quả đào có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng giờ đây đã phát triển ở khắp những nơi có khí hậu lạnh và trở thành thứ hoa quả được rất nhiều người ưa thích. 100 gram đào chỉ có 46 calo - nên có lẽ đào là trái cây tuyệt vời để giảm cân. Trái đào rất giàu vitamin A, có nhiều carotenoid nên sẽ giúp bạn chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến mắt. Đào có chứa các thành phần chống lão hóa và giải độc cơ thể, cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe của tế bào, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đào cũng rất tốt cho thai kỳ vì hỗ trợ sự phát triển của em bé cũng như ổn định sức khỏe bà mẹ.
Đào chứa lượng rất lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu cho các hoạt động bình thường của cơ thể. Đào là nguồn cung cấp vitamin A, beta – carotene và vitamin C. Đào cũng chứa rất nhiều vitamin E, vitamin B1, B2, B3, B6, folate và axit pantothenic. Đào cũng chứa một lượng lớn các loại chất khoáng như canxi, kali, magie, sắt, mangan, photpho, kẽm và đồng.
Hơn thế nữa, đào còn chứa rất ít calo, chỉ 46 calo cho 100gr, không chứa chất béo bão hòa hay cholesterol và là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời mà bạn có thể sử dụng hàng ngày.
Ngoài hương vị thơm ngon và hấp dẫn tuyệt vời được ví như trái cây của thiên đường, đào còn chứa rất nhiều carotenoid và đem đến rất nhiều giá trị dinh dưỡng.
Khả năng chống oxy hóa: Cả vỏ đào và thịt của trái đào đều cung cấp những chất chống oxy hóa rất quan trọng. Các chất chống oxy hóa trong đào bao gồm lutein, zeaxanthin và beta – crytoxanthin giúp đào có khả năng thu thập các gốc tự do trong cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại ảnh hưởng của rất nhiều bệnh do gốc tự do gây nên.
Hạ kali máu: Đào có chứa kali, một chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh và hoạt động của các tế bào. Lượng kali trong đào có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất, sử dụng carbohydrate, duy trì cân bằng điện giải và điều chỉnh mô ở các cơ bắp. Thiếu kali có thể sẽ dẫn đến tình trạng hạ kali máu và có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của cơ bắp cũng như gây ra tình trạng nhịp tim bất thường.
Ung thư: Đào rất giàu phenolic và carotenoid, là những chất có tác dụng chống ung thư và chống các chất gây ung thư, đồng thời có tác dụng chống lại một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư phổi và ung thư đại tràng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, axit chlorogenic và axit neochlorogenic trong đào có tác dụng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư vú mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác của cơ thể. Điều này khác hăn với biện pháp hóa trị trong điều trị ung thư, khi mà biện pháp này sẽ ảnh hưởng lên cả tế bào ung thư và các tế bào khỏe mạnh khác.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy, nhóm thực vật họ Rosaceae (trong đó có đào) rất giàu beta – carotene, do vây có thể có tác dụng chống lại bệnh ung thư phổi.
Chăm sóc da: Đào duy trì một làn da khỏe đẹp do có chứa rất nhiều vitamin C, có thể bảo vệ làn da chống lại các gốc tự do có hại và các tình trạng nhiễm trùng.
Đào cũng có thể bảo vệ da chống lại các tác nhân có hai từ tia cực tím. Một số nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng cho thấy chất oxy hóa zeaxanthin và lutein có trong đào có tác dụng chống viêm rất hiệu quả trong các trường hợp da bị tổn thương do tia UVB và có thể bảo vệ da khỏi sự tăng sinh quá mức của các tế bào. Flavonoid có trong đào có tác dụng ngăn ngừa tình trạng mẩn đỏ ngoài da do tác dụng của tia cực tím.
Đào được sử dụng rất rộng rãi trong nền công nghiệp mỹ thẩm để sản xuất ra các loại kem dưỡng da và làm đẹp. Do lượng flavonoid và các vitamin quan trọng có trong đào mà đào có thể giúp loại bỏ da chết, giữ nước và tái sinh lại da. Các chất chống oxy hóa sẽ kích thích quá trình hồi phục da nhanh hơn, ví dụ như trong các trường hợp trầy da.
Sức khỏe đôi mắt: Đào rất giàu beta carotene, là chất sẽ chuyển hóa thành vitamin A có trong cơ thể. Beta – carotene đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì một đôi mắt khỏe mạnh và chống lại nhiều bệnh về mắt như khô mắt hay mù lòa.
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, lutein và zeaxanthin có trong đào có rất nhiều tác dụng, bao gồm việc giảm tỷ lệ đục thủy tinh thể. Cũng theo nghiên cứu này, lutein và zeaxanthin trong các sắc tố võng mạc có thể bảo vệ võng mạc không bị thoái hóa điểm vàng do lão hóa. Thêm nữa, 2 thành phần này còn có thể bảo vệ các mô võng mạc khỏi các tổn thương gây ra bởi các gốc tự do và giảm khả năng tổn thương mắt do các loại ánh sáng có bước sóng cao.
Mang thai: Đào là loại trái cây rất giàu dinh dưỡng và có thể được ăn khi mang thai. Vitamin C có trong đào giúp cho xương, răng, da, cơ và các mạch máu của em bé phát triển khỏe mạnh. Vitamin C cũng hỗ trợ quá trình hấp thu sắt – một vi chất rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai.
Lượng folate có trong đào giúp ngăn chặn các dị tật về ống thần kinh như tật nứt đốt sống. Kali trong đào giúp làm giảm tình trạng co thắt cơ và giảm mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ. Lượng chất xơ có trong đào có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm táo bón.
Tiêu hóa: Đào rất tốt trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh do có chứa nhiều chất xơ và các thành phần kiềm. Chất xơ trong đào có thể hấp thu nước và giúp ngăn chặn các rối loạn về đường ruột như táo bón, trĩ, loét dạ dày, viêm dạ dày và nhu động ruột bất thường. Chất xơ cũng có thể giúp làm sạch và loại bỏ các chất độc ra khỏi đường ruột và ngăn chặn nhiều loại rối loạn tiêu hóa khác nhau, và có thể cả ung thư dạ dày.
Ngoài ra, đào cũng được cho là có tác dụng hỗ trợ trong việc giảm sỏi thận và sỏi bàng quang.
Hệ thần kinh: Magie có trong đào giúp ngăn chặn stress và lo âu, đồng thời hỗ trợ trong việc giữ hệ thần kinh luôn thư giãn. Thiếu magie có thể ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh trung ương, dẫn đến việc cơ bắp bị kích thích quá mức và gia tăng hoạt động dẫn truyền các tín hiệu thần kinh.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu magie cùng với vitamin B6 có tác dụng rất tốt trong việc điều trị tình trạng hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức ở trẻ em. Một nghiên cứu khác lại cho thấy, điều trị magie rất có ích trong việc hồi phục các triệu chứng chính của bệnh trầm cảm. Tiêu thụ đào cũng được coi là rất có ích trong phương pháp trị liệu Ayurvedic để duy trì sự cân bằng của hệ thần kinh.
Hạ cholesterol: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần phenolic có trong vỏ và thịt quả đào có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu LDL và kích thích hình thành các cholesterol tốt HDL. Việc này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch và duy trì sức khỏe tim mạch tối ưu.
Xương và răng: Photpho cùng với canxi trong đào giúp xương và răng chắc khỏe, góp phần duy trì và sữa chữa các mô của cơ thể. Tiêu thụ các thực phẩm giàu photpho như đào giúp củng cố quá trình tái khoáng của xương và duy trì độ cứng của xương.
Đào cũng có thể hỗ trợ ngăn chặn một số bệnh liên quan đến xương như mất canxi, có thể dẫn đến loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh. Cùng với canxi, lượng vitamin C trong đào đóng một vait rò quan trọng trong việc giữ xương hàm chắc khỏe và giữ răng nguyên vẹn.
Sức khỏe tế bào: Đào có chứa sắt là một chất rất cần thiết cho quá trình hình thành hemoglobin trong các tế bào hồng cầu. Tiêu thụ các loại thực phẩm như đào là rất quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc đời, từ khi là trẻ nhỏ, vị thành niên cho đến người trưởng thành và các giai đoạn đặc biệt như mãn kinh và mang thai.
Các rối loạn do thoái hóa hệ thần kinh: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chiết xuất từ trái đào có ảnh hưởng rất tích cực lên hệ thần kinh phó giao cảm, đóng vai trò xương sống trong quá trình ghi nhớ và học tập. Các thành phần của quả đào ngăn chặn sự lão hóa của hệ phó giao cảm và ngăn ngừa hiệu quả các rối loạn suy giảm trí nhớ như bệnh Alzheimer.
Để dùng như một thứ trái cây tươi mát của mùa hè, bạn có thể thưởng thức đào chín nguyên trái hoặc dùng nước ép đào, sinh tố đào mát lạnh sẽ giúp bạn giải nhiệt, đẹp da, giảm cân, là điều mà bất cứ chị em nào cũng mong muốn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn nhiều đào. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng một số chuyên gia khuyến cáo, vì có tính nóng nên nếu ăn nhiều đào bà bầu có thể bị xuất huyết, chỉ nên ăn mỗi tuần khoảng 2-3 quả đào để không gây hại gì cho mẹ và bé. Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn quá nhiều đào vì mặc dù đào có chỉ số đường huyết GI thấp nhưng vẫn chứa khoảng 7g đường cho 100g đào (tương đương với 1 quả đào cỡ trung bình). Ngoài ra, người bị nóng trong, người hay bị nhiệt, người mới ốm dậy, trẻ em có hệ thống tiêu hóa chưa hoàn chỉnh… cũng không nên ăn nhiều đào.
Trong Đông y, đào được sử dụng như một vị thuốc với nhiều cách khác nhau. Thịt quả đào vị ngọt chua, tính ôn, có công năng sinh tân nhuận tràng, hoạt huyết tiêu tích; dùng cho các trường hợp hen suyễn, viêm khí phế quản, cảm nắng sốt khát nước, táo bón, bế kinh, chấn thương đụng giập. Đào nhân vị đắng ngọt, tính bình, có tác dụng phá huyết tiêu tích ứ, nhuận táo, hoạt tràng; dùng cho các trường hợp bế kinh, trưng hà, xúc huyết, ứ huyết, trúng thương đụng giập, phong thấp, táo bón. Đào hoa (hoa và nụ đào) vị khổ tính bình; công năng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện; dùng cho các trường hợp phù nề, đàm nhiều, táo bón, bí tiểu, bế kinh.
Một số món ăn - bài thuốc đơn giản, dễ làm từ đào:
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh