Lợi ích dinh dưỡng từ rong mơ

I. Tổng quan về rong mơ

Tên thường gọi: rong mơ, rong biển

Tên gọi khác: hải tảo, rong mơ, rau mã vĩ.

Tên khoa học: Sargassum Henslowianum J.Agardh.

Phân họ: Họ Rong mơ (Sargassaceae).

1. Nhận biết rong mơ

Rong mơ (rong biển) là loại tảo được cấu tạo bởi những sợi phân nhánh, giống như thân, hình trụ tròn hoặc hơi dẹt, nhẵn hoặc có gai rất nhỏ, màu đỏ nâu hoặc nâu đen. Những sợi này mang những bộ phận mỏng, dẹt, giống như lá có một gân, mép nguyên hoặc khía răng không đều, trên mặt có những chấm đen, rải rác từng quãng có những bộ phận giống như quả mọc ở kẽ lá, thực ra là những cái phao hình tròn hoặc bầu dục trong chứa đầy không khí (túi khí) để rong mọc đứng trong nước biển. Phao hình cầu hay hình bầu dục màu đỏ nâu đến nâu đen.

Cơ quan sinh sản hình trụ tròn hoặc hình lăng trụ, nhẵn hoặc có gai, nguyên hoặc chia nhánh, thường mọc thành chùm. Trên cơ quan sinh sản, có thể có lá hoặc túi khí.

Nhiều loài khác cũng được sử dụng như rong mơ lá mềm (Sargassum Tenenium), rong mơ liềm (S. Hemiphyllum), rong mơ nhánh bò (S. Polycystum J. Ag), rong mơ Vachel (S. Vachel Liuanum), rong mơ Svaczi (S. Swartzii), S. Congkinhii P. Hoàng, S. Crassifolium J. Ag., S. Kjellmanianum Yendo, S. Meclurei Setchell, S. Microcystum J. Ag.

2. Thành phần dược chất của rong mơ

Rong mơ chứa iod (rất nhiều), acid alginic, alginat, chất béo, đường, calci phosphat, sắt…

 

II. Công dụng của rong mơ

1. Công dụng của rong mơ theo đông y cổ truyền

Rong mơ có vị đắng, mặn, tính hàn, đi vào các kinh phế - tỳ - thận, có tác dụng nhuyễn kiên (làm mềm u rắn), tiêu đờm, lợi thủy, tiết nhiệt, tác dụng ngược với cam thảo.

Rong mơ được dùng làm thuốc chữa tràng nhạc (loa lịch), u bướu (anh lựu), thủy thũng, cước khí, tinh hoàn sưng đau.

2. Công dụng của rong mơ theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu:

+ Đối với hệ tim mạch: Rong mơ có hàm lượng magie khoáng chất tốt cho tim rất cao. Mỗi 5g rong mơ cung cấp hơn gấp đôi lượng magie cần thiết hàng ngày. Magie giúp điều hòa nhịp tim và điều phối hoạt động của cơ tim. Mức magiê thấp có thể khiến tim đập nhanh và loạn nhịp tim (nhịp tim không đều). Magie cũng giúp giữ cho động mạch vành không bị co thắt, tránh gây ra những cơn đau ngực dữ dội, được gọi là đau thắt ngực. Người ta minh chứng rằng sự thiếu hụt magie là nguyên nhân phổ biến nhất của những cơn co thắt này.

Ngoài ra, rong mơ cũng giúp giữ huyết áp trong tầm kiểm soát, magie làm giãn các cơ kiểm soát mạch máu, cho phép máu lưu thông tự do hơn. Điều này có thể giúp giảm huyết áp cao - một yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Tác dụng của magie đối với bệnh cao huyết áp được tăng cường hơn nữa vì nó giúp cân bằng mức độ kali và natri trong máu.

+ Đối với tuyến giáp: Rong mơ là nguồn cung ứng iod rất ngoạn mục. Iod rất quan trọng đối với tuyến giáp; nó tạo thành một phần của hormone tuyến giáp (T3 và T4) được sử dụng trong mọi tế bào của cơ thể để điều chỉnh sự trao đổi chất và trọng lượng bằng cách kiểm soát việc đốt cháy chất béo để tạo năng lượng và nhiệt. Các hormone này trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm soát “tỷ lệ trao đổi chất cơ bản” của cơ thể, ảnh hưởng đến hiệu suất và hiệu quả của nhiều hệ thống cơ quan của cơ thể, và các quá trình hấp thụ - sinh tổng hợp thức ăn thành năng lượng có thể sử dụng. Iốt đúng nghĩa là "thức ăn cho tuyến giáp".

Iốt cũng thay thế các "halogenua" nguy hiểm như; florua, bromua và clo trong tuyến giáp. Nó là chất chống oxy hóa, thúc đẩy sự cân bằng hormone thích hợp, bảo vệ khỏi bức xạ và tiêu diệt vi khuẩn và nấm. Khi tuyến giáp bị tổn thương, các triệu chứng có thể bao gồm giảm/tăng cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, rụng tóc và khô da. Chính rong mơ sẽ giúp sức cải thiện điều này.

+ Điều trị lão hóa thần kinh và chống sa sút trí tuệ: Rong mơ thúc đẩy phát triển các tế bào thần kinh, giảm tốc độ thoái hóa não (nhất là vỏ não và hồi hải mã), điều trị hội chứng Alzheimer.

+ Đối với mắt: Mỗi 5 gam rong mơ cung cấp khoảng 40% nhu cầu vitamin A hằng ngày cho cơ thể. Vitamin A được tìm thấy trong loại rong mơ này ở dạng beta carotene, một hợp chất đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Cũng là một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo, vitamin A giúp bảo vệ giác mạc và là một thành phần của Rhodopsin - một loại protein trong mắt giúp tăng thị lực trong điều kiện ánh sáng yếu. Một trong những triệu chứng đầu tiên của sự thiếu hụt loại vitamin quan trọng này là “quáng gà”, hay chứng giật nhãn cầu. Hơn nữa, vitamin A duy trì sự toàn vẹn của các tế bào của màng nhầy, bao gồm cả của mắt.

+ Bướu cổ do thiếu iod: Trong y học hiện đại, người ta dùng rong mơ chữa bướu cổ do thiếu iod, mỗi viên chứa 50 - 70 microgam iod, ngày dùng 2-4 viên trong vòng 3-5 tháng.

+ Điều trị ung thư: Rong mơ chống lại hoạt động của tế bào ung thư gan, phổi, dạ dày và bạch cầu.

+ Chống viêm, giảm sưng, giảm phù: Hiệu quả chống viêm của rong mơ bằng 80% so với Aspirin, có tác dụng chống viêm trên thể cấp và mạn tính.

+ Đối với gan: rong mơ giúp bảo vệ và phục hồi các tổn thương tại tế bào gan, và hạ men gan.

+ Miễn dịch: Trong rong mơ có alginat giúp cải thiện hệ miễn dịch, chống lại nhiễm khuẩn thông qua cơ chế gia tăng bạch cầu và đại thực bào.

+ Chống đông máu: rong mơ là loại thảo dược chống hình thành huyết khối khá mạnh.

+ Điều trị rối loạn lipid máu: alginat trong rong mơ giúp giảm cholesterol máu.

+ Kháng virus: Thành phần đa đường trong rong mơ giúp chống lại virus Herpes simplex cả typ 1 và typ 2 (virus gây ngứa loét sinh dục và miệng).

+ Hoạt động dược lý khác bao gồm tiêu sợi huyết, chống tiểu đường, chống vi khuẩn, chống bệnh co thắt, làm trắng da, hoạt động bảo vệ dạ dày, v.v…

Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm dân gian:

Dân gian thường lưu truyền tác dụng chữa lở loét và điều trị huyết áp cao của rong mơ.

 

III. Cách dùng - liều dùng rong mơ

Liều dùng: 6 - 15g. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

1. Một số cách dùng rong mơ theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương

Chữa bệnh tràng nhạc, lở loét: Rong mơ 2 phần, sao giòn với thóc rồi bỏ thóc, tán bột, tằm vôi 1 phần (sao giòn), tán bột. quả mơ muối rửa nước sôi, bỏ hạt; lấy thịt giã nát trộn với bột trên làm viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3-6 lần, mỗi lần 5 - 6 viên với nước cơm, kiêng ăn đậu, gà, dê và uống rượu.

Trị u giáp trạng lành tính: Rong mơ 15g, côn bố 15g, hải phù thạch 30g, kim ngân hoa 15g, thủy hồng hoa tử 15g, đông qua bì 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa lao hạch:  Rong mơ, thổ bối mẫu, hương phụ, hạ khô thảo, mỗi vị 9g. Sắc nước uống.

Chữa ung thư thực quản và trực tràng: Rong mơ 30g, thủy tức 6g. Nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g với rượu, ngày 3 lần.

Chữa phì đại tiền liệt tuyến gây bí tiểu ở người già: Rong mơ, côn bố, xuyên sơn giáp, mỗi vị 10g; lệ chi hạch, quất hạch, vương bất lưu hành, mỗi vị 15g. Sắc nước uống.

Trị huyết áp tăng cao: Rong mơ, côn bố, hạ khô thảo, mộc thông, mỗi vị 30g; hà tử, bạc hà mỗi vị 15g; hạnh nhân 6g. Nghiền thành bột luyện với mật làm hoàn, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần.

2. Dùng rong mơ đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với sản phụ. Không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

3. Dùng rong mơ đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

 

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với rong mơ

  • Rong mơ không dùng cho người có tỳ vị hư hàn/có thấp trệ theo Đông y.

  • Những người bị dị ứng iod (i-ốt) không nên ăn rong mơ. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc theo toa nào, đặc biệt là trong trường hợp rối loạn tuyến giáp, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi tiêu thụ rong mơ.

  • Rong mơ có thể tương tác với các thuốc chống đông máu.

 

V. Phân bố, thu hái và chế biến rong mơ

Chi rong mơ có gần 30 loài ở Việt Nam, phân bố rải rác ở các vùng biển và xung quanh đảo. Cây rong mơ thường thấy ở các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới, thừ nhật bản đến Philippin.

Ở Việt Nam, rong mơ phân bố nhiều ngoài khơi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên và Khánh Hòa.

Rong mơ thường phân nhánh nhiều, tạo thành những đám lớn bám trên đá. Do cấu tạo có những túi khí ở thân và cành, nên toàn bộ cơ thể tảo mặc dù ở trong nước biển vẫn có xu thế hướng lên trên, khi bị sóng biển làm gãy thường trôi dạt vào bờ.

Nguồn rong mơ ở biển Việt Nam rất phong phú. Rong mơ này đã từng được khai thác để sản xuất iod ở Bình Định, Đà Nẵng  Hải Phòng. Rong mơ được thu hái vào mùa hạ, thu. Dược liệu có dạng trụ tròn hoặc hơi dẹt, nhẵn hoặc có gai. Từ các nhánh, mọc ra nhiều phiến mỏng, mép nguyên hoặc có răng cưa. Rong mơ có túi gọi là phao, hình tròn hoặc bầu dục nằm ở chỗ tản phân nhánh.

Sau khi thu hái, rong mơ phải được rửa bằng nước ngọt để loại muối và các tạp chất, rồi đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

 

VI. Bảo quản rong mơ

Rong mơ có thể bảo quản tươi hoặc khô. Nếu bảo quản tươi, cần ngâm trong nước sạch có thêm tí muối, giữ trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu bảo quản khô, cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hũ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Nếu bạn buộc phải lưu trữ rong mơ tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top