✴️ Bệnh tâm thần sinh con có di truyền không?

Bệnh tâm thần có di truyền không?

Trước đây, có rất nhiều người lầm tưởng rằng bị bệnh tâm thần nghĩa là bị điên. Tuy nhiên, theo góc độ y khoa, những rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của một người đều được xếp vào nhóm bệnh tâm thần.

Năm 2017, Hiệp hội nghiên cứu gen các bệnh tâm thần công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của gen (yếu tố di truyền) tới khả năng mắc bệnh của một người. Kết quả cho thấy có cùng một kiểu gen có nguy cơ gây ra 5 bệnh tâm thần khác nhau. Đó là:

  • Tâm thần phân liệt
  • Trầm cảm nặng
  • Rối loạn tự kỷ
  • Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Rối loạn lưỡng cực

Những kiểu gen này thay đổi sự vận chuyển kênh canxi trong hoạt động của tế bào thần kinh. Vì vậy mà các bệnh có nhiều biểu hiện tương tự nhau, đòi hỏi phải cẩn trong chẩn đoán phân biệt.

Tuy nhiên, gen không hoàn toàn quyết định việc bệnh tâm thần có di truyền không mà chỉ đóng góp một phần nhỏ nguy cơ. Một gen hiếm khi gây ra vấn đề, nó thường là sự kết hợp của nhiều gen khác nhau cùng với các yếu tố môi trường và di truyền biểu sinh (là những yếu tố di truyền nằm ngoài gen, quyết định cách cơ thể bạn phản ứng với những tác động của môi trường).

Tỷ lệ di truyền tâm thần ra sao

Đã có những thống kê cho biết trong khoảng 60% bệnh nhân tâm thần không có người thân và ruột thịt mắc bệnh này hay các vấn đề thần kinh tương tự. Và rất nhiều bệnh nhân tâm thần trong số đó bị khởi phát bệnh do rơi vào các trạng thái ức chế tinh thần kéo dài dưới tác động của môi trường sống, làm việc và sinh trưởng từ nhỏ tới lớn. Thậm chí, có không ít trường hợp bị tâm thần có liên quan tới các cú sốc tinh thần đột ngột dù không có yếu tố di truyền và môi trường.

Ngay cả những trẻ được chẩn đoán có triệu chứng tâm thần từ nhỏ nhưng do được chăm sóc và nuôi dưỡng trong một môi trường tốt, lành mạnh, yếu tố gen di truyền cũng bị “ngủ quên” và ngược lại.

Cho nên, di truyền có thể ảnh hưởng một phần và chiếm tỷ lệ nhất định liên quan đến nguy cơ gây bệnh, nhưng không quyết định hoàn toàn tới nguy cơ gây bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây khởi phát bệnh tâm thần và không liên quan tới yếu tố di truyền. Thậm chí ngay cả khi có tiềm ẩn yếu tố di truyền trong người nhưng cũng không có nghĩa là yếu tố này đương nhiên sẽ khởi phát trong cuộc đời.

Các yếu tố môi trường nào tăng tỷ lệ bệnh tâm thần?

Những tác nhân môi trường có thể cộng hưởng với sự thay đổi gen để di truyền bệnh tâm thần là:

  • Những cú sốc tâm lý trong quá khứ như xâm hại tình dục, bạo hành thể chất, quan hệ gia đình căng thẳng cao độ, mất đi người thân, đặc biệt trong thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh về tâm thần.
  • Bạo lực học đường hoặc những trải nghiệm tiêu cực trong môi trường giáo dục tác động rất lớn tới sức khỏe tâm thần tổng thể của trẻ em và thanh thiếu niên độ tuổi đi học.
  • Lạm dụng chất gây nghiện, rượu và thuốc lá khi tuổi còn quá nhỏ hoặc những người nghiện đã trưởng thành cũng là những yếu tố nguy cơ.

Biết bệnh tâm thần có di truyền không sẽ giúp ích được gì?

Mức độ nặng nhẹ của triệu chứng sẽ khác nhau rất nhiều giữa từng người cùng mắc bệnh tâm thần trong một gia đình. Thay vì việc lo lắng bệnh tâm thần có di truyền không mà không dám sinh con, bạn có thể thực hiện một số biện pháp nhỏ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh cho con trong tương lai.

 

Điều chỉnh lối sống của con và những thành viên khác

Ngoài rủi ro bệnh tâm thần có di truyền không thì bất kể ai cũng có tỷ lệ mắc bệnh mà không cần yếu tố di truyền nào tác động. Vì vậy, không thể bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người trong suốt cuộc đời.

  • Chế độ ăn uống cân bằng: Não bộ cần dinh dưỡng khác nhau để khỏe mạnh và hoạt động tốt. Bạn nên ăn đa dạng thực phẩm, nhất là thực phẩm giàu omega – 3 và chất chống oxy hóa như cá, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt; không lạm dụng chất bảo quản, chất điều vị nhân tạo, hương liệu tổng hợp (bột ngọt, bột nêm, các thực phẩm đóng hộp…).
  • Nâng cao đời sống tinh thần: Thể hiện tình cảm, sự quan tâm nhẹ nhàng và sẻ chia để tất cả các thành viên trong gia đình luôn được sống trong không khí vui vẻ, tránh những áp lực tinh thần quá mức. Bạn và người thân nên tham gia những hoạt động nuôi dưỡng tâm thần như thiền, yoga.
  • Tập thể dục: Hoạt động này giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, mang lại giấc ngủ ngon, điều hòa nhịp tim và nhịp thở. Mỗi người nên rèn luyện thể chất trong 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Các bài tập đơn giản mà hiệu quả tốt gồm có đi bộ nhanh, bơi lội và đi xe đạp.
  • Ngủ đủ giấc: Từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm và duy trì giờ ngủ đều đặn.
  • Học một kỹ năng mới: Học hỏi giúp mọi người tự tin, kết nối với người khác và cũng là cách để tinh thần khỏe mạnh. Bạn có thể thử học nấu món ăn mới, học vẽ…
  • Không lạm dụng ma túy các loại và rượu bia: Đây là một trong những yếu tố đóng góp rất lớn vào sự hình thành các bệnh tâm thần.

Như vậy, “bệnh tâm thần có di truyền không” thì câu trả lời là không hoàn toàn mà chỉ làm tăng nguy cơ. Bạn có thể giảm tỷ lệ này cho con và các thành viên khác trong suốt cuộc đời bằng một lối sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top