Lác mắt – Dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm
Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con bị lác mắt vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, mà đục thuỷ tinh thể bẩm sinh là một ví dụ. Bệnh này cần được chữa sớm bởi nếu để lâu, tế bào thị giác của trẻ sẽ thoái hoá và rất khó phục hồi.
Ngoài lác, đục thủy tinh thể bẩm sinh còn có một số biểu hiện dễ thấy là lỗ con ngươi của trẻ có màu trắng phấn, thường bị cả hai bên. Mắt có những cử động bất thường như rung lắc. Trẻ nhìn kém, hay dụi mắt, nheo mắt khi nhìn.
Bệnh lý khối u võng mạc (thường là ung thư) cũng có thể gây lác. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu phát hiện muộn, trẻ sẽ phải múc bỏ mắt để bảo toàn tính mạng.
Lác do khối u thường có dấu hiệu đi kèm là ánh đồng tử bệnh nhân có thay đổi. Khi trẻ ở trong bóng tối, ánh mắt có màu xanh lơ hoặc trắng xám. Mắt bên tổn thương trông rất dại, vô hồn. Nếu để muộn, mắt có thể đỏ, lồi, gây đau nhức và buồn nôn.
Ngoài ra, các bệnh như viêm màng bồ đào, tổn thương ở não bộ… cũng có thể gây lác. Do đó, khi có biểu hiện này, trẻ cần được đưa đi khám ngay.
Lác mắt cần được điều trị sớm
Các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hoặc viễn – loạn thị phối hợp cũng gây lác mắt ở trẻ em, nhất là khi khúc xạ hai mắt lệch nhau.
Trường hợp này thường gây lác vào trong. Nếu trẻ bị cận thị số cao nhưng không đều hai bên thì mắt nặng hơn thường bị lác ra ngoài.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay cả với các trường hợp kể trên, lác mắt cũng không phải chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị, mắt lác sẽ yếu dần và dẫn đến nhược thị.
Do đó, chứng lác cần được điều trị càng sớm càng tốt và phải chữa dứt điểm trước tuổi đi học. Sẽ là quá muộn khi bệnh nhân đã 5-7 tuổi bởi lúc này não bộ và thị giác đã phát triển hoàn hảo, việc điều trị thường không mang lại hiệu quả cao.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh