Một số bà mẹ quan niệm hai loại củ này chứa nhiều chất bổ. Họ liên tục thực hiện các món chế biến từ khoai tây, cà rốt. Thực tế, khoai tây, cà rốt chỉ đại diện cho nhóm bột đường chứ không phải là rau như một số người vẫn nghĩ.
Vì vậy, bé cưng sẽ rơi vào tình trạng thừa bột đường nhưng lại thiếu vitamin. Tốt nhất, bạn nên bổ sung vào thức ăn của trẻ nhiều loại rau xanh.
Một số mẹ vì muốn tăng phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con nên đã không ngần ngại bỏ thêm ngũ cốc vào cháo. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm bởi ngũ cốc tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng lại không phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ. Khi thêm ngũ cốc vào trong bột hay cháo của trẻ thì vô tình mẹ đã khiến con bị khó tiêu.
Có nhiều trẻ lớn 3 - 4 tuổi, mọc đầy đủ răng rồi mà vẫn còn phải ăn bằng máy xay sinh tố, vì cứ ăn lợn cợn là bị nôn ói. Điều này thường xảy ra ở những “con cưng” mà bà mẹ thì quá sợ việc trẻ nôn ói. Để tránh điều này, bạn nên tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm của trẻ.
Khi trẻ 6 tháng tuổi thì tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7 - 8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập ăn với cháo nấu còn hạt và các thức ăn mềm như phở, bún,… 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm. Mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ nôn ói nhưng sau đó trẻ sẽ quen dần.
Nên chuyển đổi dần dần để trẻ dễ thích nghi. “Cai máy xay sinh tố” bằng cách xay thô dần (thời gian xay ngắn lại), sau đó ăn cháo nấu đánh qua rây inox có lỗ hơi to, chuyển dần với cháo hạt, cháo đặc, cơm nhão chan canh, rồi cơm hạt,…
Khi thấy cháo của con ăn có vẻ nhạt nhẽo, nhiều bà mẹ liền bỏ thêm các loại gia vị có hương vị quá nồng như hạt nêm, nước tương,... Thực tế, đây là một sai lầm khá nghiêm trọng vì nó có thể khiến trẻ bị đau bụng hoặc gây ra sự khó chịu cho dạ dày non trẻ của bé.
Nhiều bà mẹ ngày nào cũng cặm cụi hầm xương để lấy nước nấu cháo cho con. Họ hy vọng những chất bổ sẽ tan trong nước và bé hấp thu đầy đủ các chất này. Thế nhưng, dù ngày nào họ cũng hầm xương, bé cưng vẫn cứ gầy nhom.
Thực tế, việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do vậy, nên cho trẻ ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.
Suy nghĩ cho dầu ăn vào cháo sẽ khiến con bị đau bụng là suy nghĩ sai lầm bởi lẽ dầu ăn cung cấp nhiều năng lượng và hỗ trợ cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng khác. Chính vì thế, khi nấu cháo cho con ăn, các bà mẹ nên cho vào trong cháo từ 1 đến 2 thìa dầu ăn, có thể dùng loại dầu ăn dành riêng cho bé có bán ở hầu hết các chợ và siêu thị.
Dầu ăn (bao gồm dầu thực vật hoặc dầu cá) được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất béo. Đây là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, cung cấp chất béo giúp cho quá trình hấp thu các vitamin quan trọng trong cơ thể. Chính vì vậy, không nên bỏ sót chất dinh dưỡng quý giá này trong khẩu phần ăn của trẻ.
Vì lý do bận rộn hoặc sợ mất thời gian nên có nhiều mẹ thường nấu một nồi cháo và cho con ăn cả ngày, như vậy nguồn dinh dưỡng đã bị hư hao đáng kể trong quá trình bảo quản.
Ở nhiệt độ thường, cháo chỉ để trong vòng 2 tiếng là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Nếu để ở ngăn mát, thịt bảo quản được 3 tiếng nhưng đây cũng chỉ là cách hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây ôi thiu, lúc này chúng tồn tại ở dạng bào tử chờ cơ hội phát triển lại.
Cháo bảo quản lạnh cần được đun sôi lại trước khi ăn để tiêu diệt hết những bào tử đó. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nếu sợ tốn thời gian hoặc quá bận bịu với công việc, các bà mẹ có thể nấu một nồi nhỏ cháo trắng và mỗi lần cho trẻ ăn, hãy mang một phần cháo đó nấu cùng với các loại rau và thịt để trẻ không thấy chán. Hơn nữa, các chất vitamin trong cháo lại không bị mất đi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh