✴️ Phù hoàng điểm do tiểu đường

PHÙ HOÀNG ĐIỂM DO TIỂU ĐƯỜNG

Bệnh nhân tiểu đường phải kiểm soát rất nhiều thứ. Đường huyết cao có thể gây ra nhiều bệnh lý khác, ví dụ như các bệnh ở mắt.

Bệnh thường gặp nhất là phù hoàng điểm do tiểu đường. Bệnh lý này rất nghiêm trọng và có thể khiến bệnh nhân bị mù.

Đó là một viễn cảnh rất đáng sợ, nhưng nếu như biết được chuyện gì có thể xảy ra và được điều trị một cách đúng đắn thì bệnh nhân vẫn có thể giữ được thị lực của mình.

Kể cả khi bệnh nhân tiểu đường không tự nhận thấy được các triệu chứng thì vẫn nên đi khám mắt định kỳ hằng năm. Nếu như có thể tự cảm nhận được mắt có vấn đề thì nên đi khám ngay. Nếu bác sĩ khám bệnh nhận thấy mắt của bệnh nhân có vấn đề thì sẽ giới thiệu bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt có chuyên môn sâu về võng mạc để có được điều trị chuẩn xác nhất. Nếu được phát hiện sớm thì bệnh nhân vẫn có khả năng ngăn chặn được các tổn thương vĩnh viễn ở mắt.

NGUYÊN NHÂN

Đường huyết cao làm yếu đi các mạch máu ở trong mắt, từ đó khiến chúng bị rò rỉ hoặc phát triển một cách không kiểm soát ở trong võng mạc - vùng nhạy ánh sáng ở phía sau mắt. Đây được gọi là tình trạng bệnh lý võng mạc tiểu đường.

Khi dịch ngấm vào trong võng mạc, tình trạng phù hoàng điểm có thể xảy ra. Mạch máu rò rỉ khiến cho võng mạc bị phù và làm gián đoạn hoạt động của hoàng điểm - bộ phận nhạy cảm mang nhiệm vụ tạo ra hình ảnh sắc nét.

TRIỆU CHỨNG

Phù hoàng điểm do tiểu đường không phải lúc nào cũng có triệu chứng.

Nhưng bệnh nhân có thể có:

  • Các hình ảnh phía ngay trước mắt bị mờ hoặc nhiễu
  • Nhìn thấy các màu sắc có phần giống như bị rửa trôi
  • Nếu như có các triệu chứng trên thì nên đi khám ngay.

CHẨN ĐOÁN

Trước khi thực hiện các xét nghiệm thì bệnh nhân thường sẽ được hỏi:

  • Gần đây có thay đổi gì về thì lực không? Nếu có thì là gì?
  • Có từng được chẩn đoán bị tiểu đường hay chưa? Nếu có thì là lúc nào?
  • Có ai trong gia đình mắc tiểu đường không?
  • Gần đây đường huyết và HbA1c như thế nào?
  • Có bị tăng huyết áp hay mỡ máu cao không?
  • Có đang bị bệnh nào khác nữa không?

Bệnh nhân cũng cần được khám mắt kỹ càng bao gồm:

  • Độ nhạy hình ảnh. Kiểm tra xem bệnh nhân có nhìn được tốt ở những khoảng cách khác nhau không.
  • Giãn đồng tử. Bệnh nhân được dùng thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử ra để bác sĩ có thăm khám được đến đáy mắt. Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu bệnh lý bao gồm mạch máu bị tổn thương hay rò rỉ, các điểm phù và các cặn mỡ ở trên võng mạc.

Nếu như bác sĩ nghi ngờ có tình trạng phù hoàng điểm thì sẽ cho thực hiện thêm có xét nghiệm sau:

  • Chụp ảnh huỳnh quang mạch máu Chụp ảnh võng mạc bằng chất nhuộm đặc biệt để tìm kiếm các điểm rò rỉ trên mạch máu. Thuốc nhuộm được tiêm vào từ cách tay nhưng sẽ di chuyển nhanh chóng đến mắt.
  • Chụp cắt lớp quang học (OCT) sử dụng một camera đặc biệt để chụp ảnh võng mạc. Kỹ thuật này có độ nhạy cao và có thể tìm kiếm được lượng dịch hay phù nề rất nhỏ.

NHỮNG THẮC MẮC NÊN HỎI BÁC SĨ?

  • Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
  • Tôi có nguy cơ bị mù không?
  • Tôi có nguy cơ mắc phải các bệnh mắt khác không?
  • Bác sĩ sẽ điều trị bệnh của tôi như thế nào?
  • Tôi sẽ phải mong đợi, đề phòng gì từ việc điều trị này?
  • Có biện pháp nào khác tôi có thể làm để bảo vệ thị lực không?
  • Tôi nên đi khám mắt bao lâu một lần?

ĐIỀU TRỊ

Để điều trị phù hoàng điểm do tiểu đường, các bác sĩ có thể dùng thuốc để tiêm vào mắt bệnh nhân nhằm dừng việc rò rĩ lại và để làm chậm sự tăng sinh của các mạch máu mới. Các loại thuốc này bao gồm:

  • aflibercept (Eylea)
  • bevacizumab (Avastin)
  • fluocinolone acetonide (iluvien)
  • pegabtanib (Macugen)
  • ranibizumab (Lucentis)

Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân cũng có thể được thực hiện quang đông laser. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser nhỏ chiếu vào mắt để đóng các mạch máu bị rò rỉ. Có thể sẽ phải sử dụng nhiều hơn một biện pháp điều trị để kiểm soát được bệnh. Thủ thuật này thường không gây đau, nhưng bệnh nhân có thể có cảm giác châm chích khi tia laser chiếu vào mắt.

Đôi lúc tiêm steroid cũng có thể làm giảm triệu chứng.

Một dạng phẫu thuật khác là cắt dịch kính, thường được thực hiện do có xuất huyết (không phải để điều trị phù hoàng điểm), và các bác sĩ sẽ lấy phần dịch đục đang che lấp tầm nhìn ra ngoài để thay thế nó bằng một dịch khác trong hơn.

TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN

Có nhiều cách mà bệnh nhân có thể thực hiện để ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến xấu đi. Đầu tiên, kiểm soát được bệnh tiểu đường của mình bằng cách kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu.

Thay đổi chế độ ăn, duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục có thể giúp kiểm soát được những bệnh lý trên. Tham khảo ý kiến bác sĩ về những cách tốt nhất để thực hiện.

Ngoài ra, đừng bỏ qua những buổi khám mắt định kỳ. Các triệu chứng có thể lén lút xuất hiện. Bác sĩ sẽ cần thăm khám trực tiếp để theo dõi xem điều trị có hiệu quả hay không.

Nếu như bệnh nhân đã mất một phần thị lực thì nên khám bác sĩ để được tư vấn về các hỗ trợ dành cho mắt, ví dụ như mắt kính phóng đại khi mắt kính thường không đủ hiệu quả. Hãy hỏi các nhân viên y tế về những dịch vụ hỗ trợ trong khu vực sinh sống để giúp bệnh nhân học được cách sống chung với tình trạng mất thị lực.

TIÊN LƯỢNG

Các biện pháp điều trị có thể giúp bảo vệ thị lực của bệnh nhân và làm giảm đáng kể nguy cơ bị mất thị lực.

Nên kiểm soát bệnh tiểu đường một cách tốt nhất và bám chặt theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân sẽ có cơ hội tốt nhất để có thể duy trì thị lực và không phải sống phụ thuộc vào người khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top