Hạn chế ăn thịt, sử dụng một số thuốc như Metformin (thuốc điều trị tiểu đường) hay một số loại thuốc điều trị chứng ợ nóng – hay thậm chí bị sút cân sau phẫu thuật cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt loại vitamin này.
Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn cần bổ sung thêm vitamin B12 ngay.
Bạn chỉ có thể tỉnh táo vào buổi chiều – mặc dù đã ngủ đủ 8 tiếng
Theo chuyên gia dinh dưỡng Lisa Cimperman – phát ngôn viên của Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ, mệt mỏi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin B12. Nguyên nhân là do cơ thể bạn cần vitamin B12 để tổng hợp tế bào hồng cầu, vận chuyển oxy đến các cơ quan. Nếu không cung cấp đủ oxy cho các mô tế bào, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi bất kể là bạn đã ngủ bao lâu. Do mệt mỏi có thể là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh nên bạn không thể hoàn toàn cho rằng tình trạng này là do thiếu hụt vitamin B12 nếu bạn chỉ có duy nhất cảm giác buồn ngủ.
Cảm thấy khó khăn khi phải mang vác các vật nhẹ
Nếu không được cung cấp đủ oxy từ hồng cầu, các cơ bắp của bạn sẽ hầu như không muốn hoạt động nên đôi khi xách các vật nhẹ cũng gây khá nhiều khó khăn. Nhiều người từng nghĩ rằng triệu chứng này chỉ là dấu hiệu mệt mỏi đơn thuần, hoặc do ăn uống không đúng cách. Nhưng sau một thời gian họ mới phát hiện ra rằng đó là do thiếu vitamin B12.
Bạn trải qua một số cảm giác lạ
Một số bệnh nhân đã được chẩn đoán thiếu vitamin B12 nói rằng họ từng cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc từ đầu tới chân. Một số khác lại báo cáo rằng họ bị tê cứng và thường có cảm giác bồn chồn. Những cơn đau kỳ lạ thường xuất hiện là hậu quả của những tổn thương về thần kinh gây ra do nồng độ oxy trong tế bào quá thấp.
Bạn hay “nhớ trước quên sau”
Có một số người từng tâm sự họ thường gặp khó khăn khi phải nhớ tên người thân trong gia đình và lo ngại rằng đó có thể là dấu hiệu sớm của chứng mất trí nhớ, tuy nhiên đôi khi thiếu hụt vitamin B12 cũng gây ra hiện tượng này. Sau khi làm xét nghiệm máu và phát hiện ra bị thiếu vitamin B12, những bệnh nhân đó đã sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B12 và nhận thấy các triệu chứng hay quên dần biến mất.
Bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt
Hoa mắt là một triệu chứng khác khá phổ biến. Có người chỉ đi cầu thang thôi mà cũng thấy hoa mắt, chóng mặt rồi. Một nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ so sánh nồng độ vitamin B12 ở những bệnh nhân bị chứng hoa mắt với 100 người tình nguyện khỏe mạnh. Kết quả cho thấy những bệnh nhân bị hoa mắt có nồng độ vitamin B12 thấp hơn tới 40%.
Da của bạn không còn hồng hào
Nếu làn da hồng hào của bạn giờ đây có chút vàng vọt, thiếu hụt vitamin B12 có thể là thủ phạm. Khi đó, các tế bào hồng cầu cũng trở nên yếu và rất dễ vỡ, giải phóng ra thành phần bilirubin khiến cho da bạn có màu vàng.
Lưỡi của bạn trở nên đỏ và mượt
Khoảng một nửa số người thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng thường bị mất đi những gai nhú trên lưỡi, nhất là ở cạnh lưỡi. Những người này cũng thường than phiền về cảm giác nóng rát và đau đặc biệt ở dưới lưỡi. Do hầu hết những gai nhú này đều chứa những chồi vị giác nên bạn sẽ mất đi hứng thú với những món ăn yêu thích khi bị mất đi những gai nhú này. Trên thực tế, những phụ nữ bị thiếu vitamin B12 thường bị sút cân do họ không còn cảm giác ngon miệng.
Những sự việc nhỏ cũng khiến bạn lo lắng hay xúc động mạnh
Liệu bạn có cảm thấy suy sụp hay lo lắng hơn bao giờ hết? Sự thiếu hụt vitamin B12 có tác động rất lớn đến tâm trạng của bạn và thường dẫn tới cảm giác lo lắng và chán nản. Các bác sỹ vẫn chưa biết chắc chắn lý do tại sao thiếu vitamin B12 lại gây tăng cảm xúc tiêu cực này nhưng một phần có thể là do B12 có tham gia vào quá trình tổng hợp những chất dẫn truyền thần kinh trên não, như serotonin và dopamine là những chất có tác dụng điều hòa tâm trạng.
Có sự thay đổi về thị giác
Trong những trường hợp nặng, thiếu B12 có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác, làm tắc các mạch máu nhỏ ở võng mạc, gây nhìn mờ, nhìn đôi, mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng và thậm chí mất thị lực. Một bệnh nhân cho biết: “ Triệu chứng đầu tiên khi võng mạc bị tổn thương mà tôi lưu ý đó là có một bóng mờ ở mắt phải ảnh hưởng đến khả năng nhìn. Tình hình tiến triển ngày càng nặng hơn cho tới khi tôi bổ sung vitamin B12 cho cơ thể.”
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh