Sôcôla trợ giúp phòng bệnh tiểu đường type 2

Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Kings College London và Đại học East Anglia (Anh Quốc) đều có chung quan điểm rằng tiêu thụ những thực phẩm giàu flavonoid sẽ giúp giảm nguy cơ đề kháng insulin và cải thiện nồng độ đường huyết của cơ thể.

Tình trạng kháng insulin là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 2, trong đó cơ thể không thể sử dụng insulin để điều chỉnh glucose máu dẫn đến nồng độ đường huyết bất thường.

Nghiên cứu được thực hiện trên gần 2.000 phụ nữ tình nguyện khỏe mạnh từ TwinsUK (cặp song sinh vương quốc Anh) hoàn thành một bảng câu hỏi về thực phẩm để ước tính tổng lượng flavonoid trong chế độ ăn. Kết quả cho thấy với những người tiêu thụ nhiều anthocyanins và flavonoid có triệu chứng kháng insulin thấp hơn. Kháng insulin cao có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2, vì vậy có thể thấy những người ăn thực phẩm giàu hai loại hợp chất này – chẳng hạn như hoa quả, thảo dược, nho đỏ và sôcôla đen ít có khả năng phát triển bệnh. Những người tiêu thụ nhiều hợp chất flavone nhất cải thiện được lượng protein (adiponectin) giúp điều chỉnh một số quá trình trao đổi chất bao gồm cả quá trình điều chỉnh lượng glucose máu.

 

 

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng, ở những người ăn thực phẩm chứa nhiều anthocyanins có ít khả năng bị chứng viêm mãn tính- được cho là liên quan đến nhiều căn bệnh nguy hiểm hiện nay bao gồm tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch và ung thư.

Cũng theo một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Mỹ tại Viện Bách khoa và Viện Đại học tiểu bang Virginia, thành phần chống oxy hóa trong cacao –nguyên liệu chính để sản xuất sôcôla, có thể giúp kiểm soát cân nặng và điều hòa đường huyết trên mô hình động vật.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan tổng hợp từ hơn 200 nghiên cứu cũng khẳng định thành phần polyphenol chống oxy hóa (flavonoids, acid phenolic, proanthocyanidin và resveratrol) trong các thực phẩm nguồn gốc từ thực vật bao gồm cả sôcôla có tác động tích cực đến quá trình chuyển hóa carbohydrate ở nhiều mức độ. Một số nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người đã chứng minh các hợp chất này có tác dụng làm giảm tình trạng tăng vọt đường huyết sau ăn và tăng đường huyết khi đói, đồng thời cải thiện khả năng tiết insulin và tính nhạy cảm của cơ thể với insulin. Cụ thể hơn, các flavonoid làm giảm tình trạng tổn thương tụy gây ra bởi alloxan và kích thích sự tái tạo của các tế bào beta tuyến tụy.

Những kết quả nghiên cứu nói trên là gợi ý cho việc bỏ sung thường xuyên các thực phẩm như sôcôla hay dâu tây vào chế độ ăn lành mạnh phòng chống bệnh tiểu đường tpe 2.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top