Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng hoặc ung thư ruột. Nguy cơ này lớn đến mức cần phải đưa ra các khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng.
Chẳng hạn, vào năm 2011 tạp chí Tin tức Y học Ngày nay đã đăng các khuyến cáo của Bộ Y tế Anh về giảm tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã chế biến từ 90g xuống 70g một ngày để giảm nguy cơ ung thư.
Báo cáo mới nhất này củng cố các khuyến cáo về giảm tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sau khi phát hiện thấy ăn 50g thịt đã chế biến mỗi ngày – tương đương với hai lát thịt xông khói – có thể làm tăng 18% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Mặc dù mối tương quan giữa thịt đỏ và nguy cơ ung thư khó nhận biết hơn, nghiên cứu cho thấy ăn 100g thịt đỏ mỗi ngày có thể làm tăng 17% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Các chuyên gia cũng phát hiện thấy ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt mặc dù ở mức độ thấp hơn.
Chế độ ăn nhiều thịt đã chế biến có thể gây ra 34.000 ca tử vong mỗi năm.
Để đưa ra kết luận trên, Nhóm Công tác của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân tích hơn 800 nghiên cứu về mối tương quan giữa thịt đỏ, thịt đã chế biến và nhiều loại ung thư.
Thịt đỏ được định nghĩa là thịt thuộc phần cơ của các loài động vật có vú như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt dê. Thịt đã chế biến được định nghĩa là thịt đã qua các quy trình xử lý để tăng hương vị hoặc bảo quản lâu hơn như ướp muối, lên men và xông khói. Các ví dụ về thịt đã chế biến là thịt xông khói và xúc xích.
Các chuyên gia đã thu thập được nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ăn nhiều thịt đã chế biến có thể tăng nguy cơ gây ung thư ở người.
Dựa trên dữ liệu gần đây từ Dự án Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, các chuyên gia lưu ý rằng chế độ ăn nhiều thịt đỏ có thể gây ra 34.000 ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới mỗi năm.
Mặc dù mối tương quan giữa tiêu thụ thịt đỏ và ung thư được dựa trên các bằng chứng hạn chế, các chuyên gia vẫn tuyên bố chế độ ăn giàu thịt đỏ có thể gây ra 50.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.
Bình luận về kết quả của nghiên cứu trên, tiến sĩ Kurt Straif, giám đốc Chương trình Chuyên khảo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cho biết:
“Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở người do tiêu thụ thịt đã chế biến vẫn còn thấp, nhưng nguy cơ này tăng theo lượng thịt tiêu thụ. Vì số người tiêu thịt đã chế biến rất lớn, nên tỷ lệ ung thư cũng tăng theo trên phạm vi toàn cầu”
Mặc dù các chuyên gia cho biết phát hiện của họ củng cố các khuyến cáo về giảm tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã chế biến, họ lưu ý rằng các thực phẩm này vẫn đem lại một số lợi ích về dinh dưỡng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh