Liệu có khả năng các bà mẹ bị mắc chứng béo phì sẽ sinh ra những đứa trẻ cũng bị thừa cân do mắc các bệnh chuyển hóa hay không? Theo một nghiên cứu trình bày tại phiên họp khoa học lần thứ 75 của hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ, môi trường tử cung của người mẹ có thể là nơi hình thành nên các tế bào có khả năng tích lũy thêm chất béo làm đứa trẻ sinh ra cũng sẽ bị béo phì.
Các nhà khoa học cho rằng môi trường tử cung khác nhau cũng có thể hình thành nên những sự khác biệt về mặt cơ chế chuyển hóa dẫn tới hiện tượng kháng insulin.
Các nghiên cứu khác cho biết tình trạng béo phì trong thai kỳ là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng sinh ra những đứa trẻ thừa cân. Những phụ nữ bị thừa cân quá mức cũng sẽ khiến cho con họ gia tăng nguy cơ béo phì và mắc các bệnh chuyển hóa về sau.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học thiết lập hướng nghiên cứu để hiểu được tại sao và như thế nào hiện tượng này lại xảy ra. Giáo sư – tiến sỹ Kristen E. Boyle tại đại học y Colorado (Mỹ) nói rằng: “Một trong những câu hỏi cần lời giải đáp là bằng cách nào những đứa con của các bà mẹ bị mắc chứng béo phì cũng mang nguy cơ béo phì ngay cả trước khi được sinh ra.”
Nghiên cứu tế bào gốc thay lời giải đáp
Nhóm của Boyle đã kiểm tra các tế bào gốc từ cuống rốn của những người hiến tặng. Họ xem xét các tế bào của trẻ được sinh ra bởi những người mẹ có cân nặng bình thường trong khi mang thai và của những đứa trẻ có mẹ bị béo phì tại cùng giai đoạn.
Sau đó họ nuôi cấy các tế bào gốc này cùng với các tế bào cơ và mỡ trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ chất béo cao hơn khoảng 30% ở cả hai loại tế bào trong nhóm trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ bị béo phì.
Bà nói: “Nhưng khi chúng tôi tiếp tục nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm, các tế bào từ các em bé có mẹ bị béo phì tích lũy chất béo nhiều hơn hẳn so với những em bé có mẹ bình thường, điều này có nghĩa là hoặc là có sự khác nhau trong cách thức các tế bào này thu nạp chất béo, hoặc là khác nhau trong việc sử dụng và dự trữ chất béo nội bào. Do đây vẫn còn là một nghiên cứu khá sơ bộ tại thời điểm này nên chúng tôi không biết được sự khác biệt của những tế bào được nuôi cấy này tương ứng như thế nào với sinh lý của những đứa trẻ sau khi sinh ra. Nhưng rõ ràng là có một xu hướng nhất định nào đó đối với hiện tượng tế bào của trẻ có mẹ bị béo phì tích lũy nhiều chất béo hơn trong môi trường nuôi cấy.”
Giai đoạn tiếp theo, Boyle và nhóm của bà sẽ theo dõi những đứa trẻ này để quan sát những thay đổi diễn ra khi chúng lớn. Họ muốn tìm hiểu bằng cách nào những tế bào sử dụng chất béo để sinh năng lượng và liệu điều đó có làm tăng lượng chất béo trong tế bào hay không.
Họ cũng tiếp tục tiến hành một cuộc kiểm tra về khả năng chuyển hóa tế bào để xem xem liệu ở những tế bào của trẻ có mẹ bị béo phì có xuất hiện hiện tượng viêm, kháng insulin hay những vấn đề về chuyển hóa khác không.
Điều các bà mẹ cần làm
Theo tiến sỹ Jerome Tolbert, giám đốc trung tâm y tế tiếp cận cộng đồng tại viện nghiên cứu bệnh tiểu đường Friedman ở Mount Sinai Beth Israel, thành phố New York (Mỹ), thông tin này có thể sẽ thúc đẩy những phụ nữ bị thừa cân tích cực tập luyện để có một hình thể lý tưởng trước khi muốn mang thai.
Tolbert cho rằng có khả năng do những nguyên nhân khác ngoài yếu tố di truyền khiến cho lượng chất béo trong tế bào của những đứa trẻ đó cao hơn hẳn làm chúng có nguy cơ bị béo phì trong giai đoạn phát triển.
“Hầu hết phụ nữ đều không biết được rằng họ có thể truyền bệnh béo phì hay những căn bệnh mãn tính khác như tiểu đường hay tim mạch cho con của họ ngay từ giai đoạn bào thai”, Tolbert nói.
Những phụ nữ này cũng không hiểu rằng béo phì cũng là một căn bệnh. Do đó phụ nữ nên lưu ý nhiều hơn đến cân nặng nếu họ chuẩn bị mang thai. Điều đó không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của em bé mà còn giúp việc mang thai được dễ dàng hơn.
Tiến sỹ Charlie Seltzer, một chuyên gia về giảm cân đến từ Philadelphia cho biết nếu bạn là phụ nữ và bạn dự định sinh con, hãy làm mọi điều có thể để giảm lượng mỡ trong cơ thể. Điều đó sẽ giúp tăng khả năng có được những đứa con khỏe mạnh và giảm thiểu nguy cơ gặp phải những biến chứng khi mang thai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh