Tham khảo chế độ ăn dinh dưỡng giúp ngăn ngừa bệnh tật

Thế nào là thực phẩm lành mạnh?

Chế độ ăn lành mạnh (Healthy diet) là một chế độ ăn có các loại thực phẩm lành mạnh (Healthy food), giúp duy trì hoặc cải thiện sức khỏe tổng quát. Thực phẩm lành mạnh là những thực phẩm có ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường tự do và muối. Nguồn gốc thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày chia làm 2 loại chính, thực phẩm tự nhiên và thực phẩm qua chế biến (thủ công hoặc công nghiệp). Không có thực phẩm nào được coi là hoàn toàn lành mạnh, cũng không có thực phẩm nào là hoàn toàn xấu, không lành mạnh.

Chuyên gia Dinh dưỡng cũng cho rằng, với các thực phẩm tự nhiên, cần kết hợp chúng một cách đa dạng, đảm bảo đầy đủ về số lượng và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng cần thiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm mùa nào thức nấy. Còn với các thực phẩm được qua chế biến, trong quá trình chế biến người sản xuất phải hạn chế sử dụng hoặc làm gia tăng các thành phần tạo nên thực phẩm “không lành mạnh” thông qua việc kiểm soát các thành phần “xấu” như muối, đường đơn, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.

Theo định nghĩa mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, một chế độ ăn lành mạnh cần phải có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ, hạn chế các thành phần như đường tự do, các thức ăn vặt và đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và muối. Một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng thiết yếu như các chất dinh dưỡng đa lượng, vi chất dinh dưỡng và năng lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của mỗi một cá thể tùy thuộc tình trạng dinh dưỡng, sinh lý và vận động.

 

Làm sao để lên kế hoạch cho một chế độ ăn lành mạnh?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, duy trì được một chế độ ăn lành mạnh trong suốt cuộc đời sẽ giúp phòng tránh được suy dinh dưỡng ở tất cả các thể, bao gồm cả thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gout…). Một chế độ ăn lành mạnh cụ thể như sau:

Rau quả: Ăn ít nhất 400g rau quả hàng ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tăng mức tiêu thụ chất xơ. Để tăng được lượng tiêu thụ rau quả, chúng ta nên:

- Bữa ăn nào cũng có rau

- Ăn quả tươi và rau củ quả sống thay cho thức ăn vặt.

- Ăn rau quả theo mùa (mùa nào thức nấy)

- Ăn đa dạng nhiều loại rau quả

Chất béo: Giảm lượng chất béo xuống dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, bằng cách:

- Nên hấp hoặc luộc thức ăn thay vì chiên xào

- Thay mỡ, bơ bằng các loại dầu thực vật chưa bão hòa như dầu đậu nành, dầu ngô, dầu hạt cải, dầu hướng dương

- Sử dụng các loại sữa hoặc chế phẩm sữa tách bơ, thịt nạc, hoặc loại bỏ các phần mỡ thừa khỏi thịt, giảm việc tiêu thụ các thức ăn nướng hoặc chiên, các thực phẩm đóng gói sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hóa công nghiệp,

Muối, natri và kali: Chúng ta thường tiêu thụ quá nhiều natri thông qua muối (tương ứng với mức trung bình 9-12g muối 1 ngày) và lại ít kali (dưới 3,5g). Ăn nhiều natri và ít kali góp phần gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Giảm mức tiêu thụ muối xuống dưới 5g một ngày bằng cách:

- Hạn chế sử dụng muối và các gia vị có chứa nhiều muối (như nước mắm, nước tương) khi nấu nướng và chuẩn bị thực phẩm

- Không để muối và các loại nước chấm mặn trên bàn ăn

- Giảm tiêu thụ các thức ăn vặt chứa nhiều muối

- Chọn các thực phẩm có hàm lượng muối thấp

ĐườngĐường đơn nên ở ngưỡng dưới 10% trong tổng số năng lượng khẩu phần (tốt nhất là dưới 5%) để kiểm soát được cân nặng, giảm các nguy cơ về tim mạch và đái tháo đường.

- Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nước uống có hàm lượng đường cao như đồ ăn vặt, kẹo, nước ngọt (có gas hoặc không có gas), nước quả đóng chai, trà uống liền, cà phê uống liền, sữa có đường.

- Ăn các loại quả và rau sống thay vì đồ ăn vặt có chứa đường.

Bên cạnh đó, một giải pháp thay thế bữa ăn phụ (ăn vặt) hoặc bổ sung vào bữa ăn chính (bữa sáng, bữa trưa) giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, tăng cường sức khỏe được các chuyên gia khuyến nghị là sử dụng kèm các thức uống dinh dưỡng, thức uống công thức với tỷ lệ chất béo lành mạnh, vitamin và muối khoáng hợp lý cùng cả chất bột và chất đạm giúp bù đắp phần còn thiếu khuyết trong bữa sáng và bữa trưa hiện nay.

Các thức uống dinh dưỡng này góp phần giảm lượng phải ăn vào cơ thể trong bữa sáng và bữa trưa, giúp giảm áp lực cho các cơ quan trong cơ thể do ăn quá no và hạn chế nguy cơ làm chậm quá trình trao đổi chất do ăn quá no gây ra. Tỷ lệ hợp lý các dưỡng chất cũng góp phần làm giảm nguy cơ dư thừa hay thiếu hụt một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Công thức phổ biến cho các thức uống dinh dưỡng thay thế bữa ăn phụ hoặc bổ sung vào bữa ăn chính hiện nay bao gồm: chất bột (bột yến mạch, tinh bột…), chất đạm (protein các loại), chất béo lành mạnh, vitamin và muối khoáng. Các nhà sản xuất cũng đã bổ sung thêm nhiều dưỡng chất khác giúp tăng đề kháng cho cơ thể đơn cử như chất trợ sinh miễn dịch (DeltaImmune, Immune Gamma…). Tất cả tạo lên một thức uống hoàn chỉnh giúp tăng cường sức khỏe cho người sử dụng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top