✴️ Thiết bị hỗ trợ tâm thất (P1)

Tổng quan

Bệnh nhân có thể được đặt LVAD khi đang chờ để được ghép tim hoặc cho đến khi quả tim suy trở nên đủ khỏe để có thể tự bơm máu đi hiệu quả. Bác sĩ có thể khuyến cáo nên gắn và sử dụng thiết bị VAD như là 1 phương pháp điều trị dài hạn trong trường hợp bị suy tim và tình trạng của bệnh nhân không phù hợp cho việc ghép tim.

Thủ thuật lắp đặt VAD thường yêu cầu phải thực hiện phẫu thuật tim hở và có những nguy cơ nghiêm trọng. Tuy nhiên, VAD có thể giúp ích rất nhiều nếu bị suy tim nặng.

Tại sao lại phải sử dụng VAD?

Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD) là thiết bị cơ học hỗ trợ cho tâm thất trái (LVAD), tâm thất phải (RVAD) hoặc cả 2 tâm thất (BIVAD).

Bác sĩ có khả năng sẽ khuyến cáo bệnh nhân sử dụng VAD khi:

Bệnh nhân đang trong giai đoạn chờ được ghép tim: Các bệnh nhân đang chờ để được nhận tim từ người hiến có thể sẽ được gắn VAD tạm thời cho đến khi nhận được tim.

VAD có thể thay thế tim của bệnh nhân để tiếp tục bơm máu đi nuôi cơ thể, và sẽ được gỡ ra sau khi đã được ghép tim. Thiết bị này còn có khả năng cải thiện được những vấn đề của các cơ quan khác trong cơ thể, và cải thiện luôn cả những vấn đề y khoa khác.

Thiết bị VAD được lắp đặt trong lúc bệnh nhân chờ ghép tim còn được gọi là “cầu nối đến ghép tim”.

Bệnh nhân không đủ điều kiện để thực hiện ghép tim do tuổi tác hoặc các nguyên nhân khác: Thiết bị VAD đôi khi sẽ được cấy ghép trên bệnh nhân suy tim nhưng không đủ điều kiện để thực hiện ghép tim, nguyên nhân có thể là do tuổi tác hoặc các vấn đề y khoa khác. Đây còn được gọi là “liệu pháp đích”.

Trong một vài trường hợp quan sát được, thiết bị VAD còn có thể cải thiện được những vấn đề của các cơ quan khác, hoặc cải thiện được những vấn đề y khoa khác để bệnh nhân đạt đủ điều kiện được ghép tim.  Có 2 trường hợp có thể xảy ra, hoặc là những vấn đề y khoa sẽ được cải thiện để có thể đạt đủ điều kiện thực hiện ghép tim, hoặc bệnh nhân vẫn sẽ tiếp tục sử dụng VAD như là 1 phương pháp điều trị suốt đời.

Việc sử dụng VAD như là một phương pháp điều trị dài hạn cho các bệnh nhân bị suy tim, nhưng không đủ điều kiện để ghép tim, đang càng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nhìn chung những bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi có khả năng cao là sẽ không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật ghép tim. Trong các trường hợp đó, VAD sẽ được chỉ định làm phương pháp điều trị suy tim cho bệnh nhân. Thiết bị VAD có khả năng cải thiện được chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

thiết bị hỗ trợ tâm thất

Chức năng của tim có thể bình thường trở lại: Nếu như tình trạng suy tim của bệnh nhân chỉ là tạm thời, bác sĩ có thể sẽ chỉ đinh cấy đặt thiết bị VAD cho đến khi tim của bệnh nhân đủ khỏe để có thể tự mình bơm máu được. Việc này còn được biết đến như là “cầu nối đến sự phục hồi”.

Cũng có khả năng bác sĩ sẽ lắp đặt thiết bị VAD cho bệnh nhân trong một khoảng thời gian ngắn, trong lúc hoặc là sau khi thực hiện phẫu thuật tim. VAD có thể sẽ được giữ lại trong cơ thể trong khoảng từ vài tuần đến vài tháng.

RVAD có thể sẽ được lắp đặt tạm thời sau khi bệnh nhân đã thực hiện một số loại phẫu thuật tim. Thiết bị RVAD giúp cho máu tiếp tục được bơm từ tâm thất phải lên phổi.

Nếu như thiết bị VAD thất bại trong việc trợ giúp tim cho bệnh nhân, bác sĩ có thể  sẽ cân nhắc việc sử dụng 1 trái tim nhân tạo hoàn toàn để điều trị. Thiết bị này sẽ thay thế cho 2 tâm thất của bệnh nhân. Nhìn chung, phương pháp này sẽ chỉ được cân nhắc điều trị trên những bệnh nhân suy tim nặng nhưng gặp thất bại khi sử dụng những phương pháp điều trị khác. Đôi khi phương pháp này cũng được sử dụng trên bệnh nhân chờ đợi phẫu thuật ghép tim. Bác sĩ sẽ tư vấn và thảo luận với bệnh nhân về việc có nên sử dụng tim nhân tạo hoàn toàn hay không.

Các nguy cơ

Cấy ghép và sử dụng thiết bị VAD có thể tồn tại những nguy cơ sau:

Huyết khối:

Huyết khối có thể được hình thành khi máu đi qua VAD. Những cục máu đông này có thể làm cản trở hoặc thậm chí gây tắc mạch máu, điều này có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ hay cơn đau tim, hoặc thậm chí làm cho VAD nhưng hoạt động.

Sau khi VAD đã được lắp đặt, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc chống đông máu, bao gồm warfarin (Coumadin, Jantoven) và aspirin để giúp ngăn lại việc tạo ra các cục máu đông. Bệnh nhân cần được xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra tác dụng của warfarin.

Bệnh nhân cần dùng warfarin theo chỉ định một cách cực kỳ cẩn thận. Warfarin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nếu bệnh nhân không tuân thủ chính xác chỉ định của bác sĩ, vì vậy bệnh nhân cần nên trao đổi với bác sĩ về các hướng dẫn sử dụng trong lúc dùng.

Xuất huyết:

Cần phải phẫu thuật tim mở mới có thể cấy ghép được VAD. Cuộc phẫu thuật này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết của bệnh nhân trong và sau khi thực hiện. Việc sử dụng các loại thuốc chống đông cũng làm gia tăng nguy cơ xuất huyết của bệnh nhân ở tại các cơ quan khác như tiêu hóa và não bộ.

Nhiễm trùng:

Do nguồn năng lượng và bộ điều khiển của VAD được gắn ở ngoài cơ thể và được nối với VAD thông qua một lỗ nhỏ ở trên da của bệnh nhân, nên có khả năng các vi khuẩn có thể xâm nhập được vào cơ thể thông qua con đường đó, và gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế cần phải thận trọng quan sát và chú ý để có thể nhận ra được các dấu hiệu của nhiễm trùng: đau, đỏ ở vùng da gần vị trí lỗ nối, dịch chảy ra từ lỗ nối hoặc sốt.

Các lỗi kỹ thuật của thiết bị:

VAD có thể gặp vấn đề kỹ thuật sau khi được lắp đặt. Chức năng bơm máu của thiết bị có thể gặp lỗi, dẫn đến việc không bơm đủ máu đi qua tim. Nguồn năng lượng của máy cũng có thể gặp trục trặc, hay những thành phần khác trong máy cũng có thể ngưng hoạt động hiệu quả. Từng lỗi kỹ thuật của máy phải được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Suy tim phải:

Sau khi được lắp đặt LVAD, thiết bị sẽ làm tim bơm máu từ tâm thất trái ra nhiều hơn so với lượng máu ban đầu mà tim bệnh nhân đã quen làm việc trước đó. Tâm thất phải của bệnh nhân có thể không đủ sức để bơm được lượng máu tăng lên đó.

Nếu như bệnh nhân gặp phải tình trạng suy tim phải, các thuốc và những liệu pháp khác có thể được sử dụng nhằm hỗ trợ khả năng bơm máu của tâm thất phải. Thiết bị RVAD có thể được chỉ định lắp đặt để hỗ trợ thất phải khi bệnh nhân rơi vào tình trạng này.

Xem tiếp: Thiết bị hỗ trợ tâm thất phần 2

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top