Thực phẩm lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe không?

Nội dung

Sữa chua có hương vị

Sữa chua chắc chắn là rất tốt cho sức khỏe: bổ sung rất nhiều protein, canxi và probiotic (tốt cho hệ tiêu hóa). Một nghiên cứu tại Harvard còn cho thấy rằng, có mối liên quan giữa việc ăn sữa chua và giảm cân. Nhưng sữa chua có hương vị lại thường chứa rất nhiều đường, khiến việc ăn sữa chua không khác gì với việc ăn kẹo cả. Một chế độ ăn có chứa quá nhiều đường như vậy có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Do vậy, tốt nhất, bạn nên mua loại sữa chua trắng, sau đó bổ sung thêm các hương vị khác theo ý thích, ví dụ như cho thêm các loại hạt, hoặc trái cây tươi.

 

Đậu nành

Đậu nành có chứa các isoflavone gần giống với estrogen trong cơ thể, và do đó, chúng có thể kích hoạt các gen liên quan đến khối u tại vú. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này, nhưng có một sự thật là, các loại đậu nành bày bán trong siêu thị đều đã bị chế biến quá mức và không giàu dinh dưỡng, ví dụ như đậu nành để ăn vặt, đậu nành trong bánh burger hay sữa đậu nành. Lượng muối và đường được thêm vào những sản phẩm này có thể có ảnh hưởng không tốt đến tim và vòng eo của bạn.

Tốt nhất là bạn không nên ăn quá nhiều đậu nành, nếu ăn, hãy lựa chọn loại đậu nành chưa qua chế biến như đậu phụ hoặc đậu nành lên men (tempeh).

 

Các loại sữa hạt

Sữa luôn tốt cho sức khỏe, nhưng sữa bò vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, cung cấp đầy đủ protein, vitamin D và canxi. Đa số các sản phẩm thay thế sữa bò đều được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để đạt được lượng vitamin và khoáng chất ở mức độ trung bình, và nếu so sánh với sữa bò, thì lượng vitamin và khoáng chất được bổ sung thêm này còn thấp hơn nhiều. Nghiên cứu so sánh giữa 4 loại sữa hạt phổ biến (sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa gạo và sữa dừa) với sữa bò cho thấy không có loại sữa hạt nào đạt được giá trị dinh dưỡng như sữa bò (mặc dù sữa đậu nành là loại giàu dinh dưỡng nhất trong số 4 loại sữa hạt trên).

Ngoài ra, rất nhiều loại sữa hạt được làm đặc bằng chất tạo đặc carrageenan, việc bổ sung thêm chất này có thể liên quan đến hội chứng ruột kích thích và thậm chí là ung thư đại tràng.

 

Bỏng ngô

Bạn nghĩ rằng bỏng ngô là món đồ ăn vặt ít năng lượng và được làm hoàn toàn từ ngũ cốc nguyên cám? Nhưng điều đó lại phụ thuộc vào cách bạn làm bỏng ngô như thế nào. Nếu bạn cho bỏng ngô vào trong túi nhựa và quay trong lò vi sóng, khi được làm nóng, rất nhiều loại túi nhựa sẽ làm thôi ra các chất hóa học được gọi là perfluorooctanoic, là một chất có khả năng gây ung thư. Và nếu bạn thêm bơ vào để món bỏng ngô trở thành món bắp rang bơ thơm phức? Bơ có thể có chứa diacetyl, một chất khí có thể liên quan đến bệnh ở phế quản ở những người công nhân làm việc trong các nhà máy và hít vào một lượng lớn những khí này.

Nếu bạn thích ăn bỏng ngô, lựa chọn tốt nhất là ăn loại bỏng ngô hữu cơ và không chứa các chất phụ gia.

 

Rau củ đóng hộp

Mặc dù rất nhiều nhà sản xuất đã ngừng sử dụng các loại hộp có chứa BPA, tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vẫn chưa thay đổi việc này, bởi các loại hộp không chứa BPA có giá thành đắt hơn. BPA có thể sẽ bị thôi nhiễm ra thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu axit như cà chua đóng hộp. BPA có thể gây cản trở sự phát triển của não bộ và thể chất của trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị béo phì và ung thư hơn.

Do vậy, hãy chắc chắn rằng bạn lựa chọn sử dụng các sản phẩm không chứa BPA. Và nếu bạn muốn thuận tiện, hãy sử dụng rau củ đông lạnh thay thế. Một báo cáo gần đây đã cho thấy rằng rau quả đông lạnh cũng có độ tươi sống, hương vị và giá trị dinh dưỡng tương tự như rau quả tươi.

 

Cá ngừ

Cá ngừ là một loại cá hàng đầu bị nhiễm methyl thủy ngân tại Mỹ, và nếu với liều lớn thủy ngân có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh và não bộ. Tuy nhiên, cá ngừ lại rất giàu chất béo không bão hòa đa, tốt cho sức khỏe tim mạch, da và mắt. Cho dù bạn ăn cá ngừ loại đóng hộp hay cá ngừ tươi sống, hãy đảm bảo rằng bạn không ăn quá 2-3 lần một tuần.

 

Các chất thay thế đường

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù các chất tạo ngọt có rất ít năng lượng và có thể giúp giảm cân, nhưng tiêu thụ quá nhiều những chất tạo ngọt này có thể gây ra hội chứng chuyển hóa và tăng nguy cơ tiểu đường, tiền tiểu đường, đặc biệt là ở những người béo phì. Ngoài ra, những chất tạo ngọt này còn không có giá trị dinh dưỡng.

 

Trái cây khô

Trái cây khô là một cách thuận tiện để đạt được khuyến nghị 5 khẩu phần trái cây mỗi ngày, nhưng trái cây khô không phải là một lựa chọn lý tưởng để ăn mỗi ngày. Nguyên nhân là vì trái cây khô thường được thêm vào rất nhiều đường, và do đó, có thể làm tăng lượng đường huyết của bạn rất nhanh, dẫn đến tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường. Ngoài ra, khi bạn không được nạp đường, cơ thể bạn sẽ cảm thấy thiếu và thèm – từ đó có thể dẫn đến việc tăng cân. Hãy cố gắng ăn trái cây tươi bất cứ khi nào có thể hoặc chọn loại trái cây khô không được bổ sung thêm đường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top