✴️ Dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine COVID-19 có nên không

Nội dung

Nhiều người gặp một loạt các phản ứng phụ do vaccine phòng COVID-19, bao gồm đau nhức tại chỗ tiêm, mệt mỏi hoặc đau đầu, các tác dụng phụ này sẽ tự khỏi trong vòng một hoặc hai ngày. Một số ít thì gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một số thành phần của vaccine. Nếu bạn có phản ứng dị ứng với liều vaccine đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa có thể khuyên bạn nên dùng thuốc kháng histamine cơ bản trước liều thứ hai.

 

Tại sao một số người có phản ứng phản vệ với vaccine?

Về lý thuyết khi bạn tiêm vaccine, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt để tạo ra phản ứng bảo vệ chống lại mầm bệnh-trong trường hợp này là virus SARS-CoV-2. Khi hệ thống miễn dịch của bạn được kích hoạt, sẽ có sự giải phóng nhất thời các chất trung gian gây viêm có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt, đau nhức, mẩn đỏ và sưng tấy tại chỗ tiêm hoặc các hạch bạch huyết lân cận. Các triệu chứng này thường hết trong vòng 24 đến 48 giờ.

Một số nhỏ có nguy cơ tiến triển thành những phản ứng nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị dị ứng với polyethylene glycol hoặc polysorbate, là những thành phần có trong vaccine Covid-19. Những phản ứng này rất hiếm gặp, thường thông qua cơ chế trung gian immunoglobulin E (IgE), có thể dẫn đến sốc phản vệ. Dưới tác dụng của IgE, các tế bào mast và bạch cầu ưa base được hoạt hóa giải phóng các chất trung gian như histamine, prostaglandine, cytokine… có thể làm co thắt khí quản (gây ra khó thở, thở khò khè), phát ban, tụt huyết áp và các triệu chứng tiêu hóa khác.

Thuốc kháng histamin (hay còn gọi là thuốc chống dị ứng) có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các loại phản ứng dị ứng bằng cách ngăn chặn các thụ thể histamine khắp cơ thể, ngăn ngừa các triệu chứng này. Một số tên thuốc thường thấy là Cetirizine, Loratadine, Telfast…

 

Một số biểu hiện của phản ứng dị ứng hoặc phản vệ các mức độ khác nhau có thể tự nhận biết được qua một trong các dấu hiệu sau:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có mày đay (mề đay), ngứa, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, phù mạch;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về tim mạch có dấu hiệu tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, huyết áp tăng cao hoặc tụt thấp;

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Nặng hơn có thể rối loạn ý thức, hôn mê, ngất…

Có nên tự dùng các thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine không?

Hiện tại, các chuyên gia y tế đều đồng thuận rằng lợi ích của việc hoàn thành đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 lớn hơn nhiều so với nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng do tiêm chủng không đầy đủ hoặc không tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo hướng dẫn của CDC, người dân không nên dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm phòng vaccine Covid-19 để cố gắng ngăn ngừa các phản ứng dị ứng của vaccine. Việc tự ý sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine mà không có bất kì sự tư vấn, hướng dẫn nào từ chuyên gia y tế có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, bởi bất kì loại thuốc nào cũng là con dao 2 lưỡi.

 

Nên dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Trong hầu hết các trường hợp, các biểu hiện khó chịu, ban ngứa, đau hay sốt đều là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang được bảo vệ khỏi tác nhân lạ sau khi tiêm vắc xin và các triệu chứng này thường tự khỏi sau 24 đến 48 giờ mà không cần dùng thuốc.

Nếu gặp phản ứng dị ứng sau liều vaccine đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa có thể khuyến cáo nên điều trị trước bằng thuốc chống dị ứng (kháng histamin) để làm giảm phản ứng của cơ thể với histamine nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dị ứng. Các nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng thuốc kháng histamine giúp giải quyết các phản ứng dị ứng mà một số người gặp phải sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Những người có phản ứng dị ứng với mũi 1 vaccine cũng cần được theo dõi chặt chẽ hơn khi tiêm mũi 2.

 

Những lưu ý khi dùng thuốc kháng histamine chống dị ứng

Chuyên gia Hồi sức có lời khuyên như sau: “Các loại thuốc chống dị ứng (kháng histamine) chỉ có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng mà không có tác dụng điều trị bệnh tận gốc. Ngoài ra, với các trường hợp dị ứng nặng gây sốc phản vệ thì thuốc kháng histamine không có tác dụng mà phải dùng các biện pháp điều trị cấp cứu. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng histamine như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điểm lưu ý quan trọng là không được dùng chung thuốc kháng histamin với rượu. Thận trọng khi dùng các loại thuốc kháng histamine cho phụ nữ mang thai vì dễ gây tác dụng phụ và ảnh hưởng tới thai nhi. Do vậy trước khi sử dụng mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng.

Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng histamin để phòng dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19 một cách thường quy. Bất kỳ ai bị phản ứng sau liều đầu tiên cộng với những người có tiền sử phản ứng với vaccine nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn tiêm phòng đầy đủ. Mọi sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng, thời gian sử dụng để tránh gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm”.

 

Về sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng quá mẫn cấp tính nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, được đặc trưng bởi:

+ tổn thương đường thở nhanh chóng do phù nề hầu họng hoặc thanh quản

+ và/hoặc thở khò khè và tăng nhịp thở do co thắt phế quản

+ và/hoặc ảnh hưởng đến tuần hoàn, như hạ huyết áp và/hoặc nhịp tim nhanh.

Mặc dù không phải lúc nào cũng gặp các biểu hiện trên nhưng hầu hết các trường hợp đều có liên quan đến những thay đổi về da và niêm mạc (ví dụ, mẩn đỏ, nổi mề đay hoặc sưng đỏ, sưng môi, mặt và mắt). Tuy nhiên, đôi khi tê hoặc ngứa ran quanh miệng lại là dấu hiệu đầu tiên của sốc phản vệ. Điều vô cùng quan trọng là phải cấp cứu ngay nếu có nghi ngờ sốc phản vệ, ngay cả khi những dấu hiệu trên không được quan sát thấy. 

 

Điều trị sốc phản vệ - cấp cứu ban đầu

Adrenaline là thuốc điều trị ưu tiên cho sốc phản vệ và cần được sử dụng ngay nếu nghi ngờ có sốc phản vệ.

Adrenaline 1 mg/ml (1:1000) phải luôn có sẵn tại các trung tâm tiêm chủng.

Adrenaline nên được dùng bằng cách tiêm bắp sâu vào bên ngoài đùi. Hầu hết người lớn nên tiêm 0,5 mg ở liều đầu tiên (0,5 mL adrenaline 1 mg/ml). Nếu biết hoặc nghi ngờ đối tượng tiêm nặng dưới 50kg hoặc, cán bộ y tế có thể giảm liều bằng cách sử dụng 0,01 mL/kg adrenaline 1 mg/ml đến tối đa 0,5 mL mỗi liều. Liều có thể được lặp lại sau mỗi năm phút theo yêu cầu cho đến khi có sự hỗ trợ đầy đủ.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top